THỰC TẬP SINH ISRAEL: LÀM NÔNG DÂN Ở SA MẠC

by leetrinh

Chắc ai đó đọc các bài viết cũng sẽ rất tò mò về việc mình làm gì ở nước Israel, sao mình có thể đi nhiều và ở lâu như vậy. Câu chuyện chả có gì phải bí mật cả, hằng năm có khoảng hơn vài ngàn sinh viên từ các nước như Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanma, Indonesia, Kenya, Nepal… theo visa A2 đến Israel với vai trò thực tập sinh nông nghiệp. Mỗi tuần mình sẽ đi học 1 ngày, đi làm ở farm 5 ngày, ngày thứ 7 nghỉ. Chương trình do chính phủ 2 nước xúc tiến, mình đi theo đại diện chương trình tuyển chọn là ĐH Nông Lâm HCM. Mình đã nhiều lần đến trường và đăng ký chương trình vào tháng 5/2016, nhưng lúc đó đã trễ hạn.

Ngày bế mạc, kết thúc 10 tháng trên sa mạc nóng bỏng

Sau đó vào tháng 10, mỗi ngày mình đều lên website 2 lần để đợi thông báo, sáng thức dậy và trước khi ngủ. Đến nỗi mình còn biết được website của trường thay đổi từng chi tiết nhỏ nào trên giao diện. Và rồi tháng 8/2017 mình mới có lịch bay. Sau lần phỏng vấn ở sân bay Hồng Kông và lần sát hạch cuối ở sân bay Ben Gurion, 5h sáng có mặt tại moshav Ein Yahav, mình mới dám chắc chắn rằng mình đã đến Israel. Để đến được đất nước này với mình không hề đơn giản và dễ dàng, mọi thứ chỉ dám nhìn về phía trước và không được bỏ cuộc. Và giờ, mình ngồi ở đây viết về nó một cách nhẹ tênh, những ký ức sa mạc lộng gió và bão táp.

Farm dưa lưới nhà mình :)) à này farm của boss mình được chụp bằng flycam

Ngày hôm đó, xe của trường đón ở sân bay và sau đó đưa từng nhóm sinh viên đến từng moshav theo thứ tự. Cái nóng tháng 8 bao trùm, mới 5h sáng nhưng đã nghe được mùi nóng, vào giữa trưa mình thấy cái nắng gay gắt mà không khỏi lo ngại. Boss đến đón 2 đứa con gái tụi mình về phòng đã thuê sẵn, ở đó đã có 2 cô gái đến trước 3 ngày, tổng có 4 đứa con gái người Việt. Ngày hôm sau một người đàn ông đứng tuổi đến đón tụi mình đi mua bình nước và hướng dẫn mở tài khoản mua thức ăn ở shop Thái Lan. Về sau mình mới biết Itay là quản lý của farm, ông ấy phụ trách công nhân và phát triển của cây. Boss mình thì lo phát triển thị trường, và nhiều công việc khác, thỉnh thoảng mới gặp boss ở ngoài farm. Itay nghiêm túc lái xe, mắt đeo kính đen nhìn thẳng về phía trước, mũi cao thẳng, chỉ nói một vài câu tiếng anh cần thiết. Mình ngồi bên cạnh, nhìn ổng nghĩ thầm “Sau này mình phải làm việc với người đàn ông lạnh lùng này sao?”

TRái cây như táo rẻ mà giòn ngon

Công việc mỗi ngày là đi làm trước khi mặt trời mọc và trở về nhà sau mặt trời lặn. Địa điểm là nông trại (farm) ớt chuông, dưa lưới và cà tím. Boss mình có rất nhiều farm ở nhiều vị trí khác nhau nên việc di chuyển giữa các farm đều bằng ô tô và tractor. Vào mùa hè mặt trời mọc sớm, công việc bắt đầu lúc 5am, như vậy tụi mình phải có mặt 4h45am trước cửa nhà, mùa đông thì bắt đầu trễ hơn là 6am. Quản lý đến đón rất đúng giờ, đôi lúc vì quên một thứ gì đó, chạy vào nhà lấy, ông ấy đến thấy thiếu 1 đứa là lên xe bị nhắc nhở liền, dù thời gian trễ chỉ 30s. Như vậy phải dậy sớm hơn 30-45p để chuẩn bị thức ăn.

1. MÙA HÈ ĐẦU THÁNG 8

Tháng 8 là thời điểm bắt đầu mùa vụ, farm mình bắt đầu trồng ớt ngọt. Mới 5am mắt nhắm mắt mở, mỗi đứa 1 khay cây giống nặng trĩu, người nào người nấy cong đít, cúi người trồng. Phải trồng khi trời còn chưa sáng, nếu không, nắng quá cây không chịu được. Cây con trồng trong vòng một tiếng, mỗi người tầm 4-5 khay, như vậy mỗi khay 120 cây/ 12-15p.

Đây là ớt mới trồng nè, trồng bằng cây con, đâu được vài ngày. Chỉ mong các em lớn nhanh nhanh 🙂 Thời tiết này rất nắng nên dùng lưới đen phủ

Trồng cây là thử thách đáng sợ nhất của bất cứ ai mới vào làm farm, vì tốc độ phải rất nhanh, máu dồn lên não, hoa mắt chóng mặt, mệt, đau lưng kinh khủng. Mỗi lần trồng xong một khay mừng húm, ngẩng đầu lên định đi lấy khay khác để kịp thở thì thấy boss đứng kế bên đưa khay tiếp tục. Đến giờ nghĩ lại vẫn thấy sợ hãi, may là boss mình có đâu 8 farm ớt thôi. Những ngày đầu đi làm, trời còn tối, trồng ớt nên mờ mịt lắm, không thấy lỗ để trồng. Mình còn nhớ farm mình phải mở đèn xe tractor để thấy đường trồng nữa mà, chẳng biết đang ở đâu trên cái sa mạc này.

Này thì ớt chuông ngọt. Tùy theo phát triển của ớt mà kéo dây tầm 6-8 giây. Đến khi các em lớn thì thời tiết cũng mát mẻ :))

Căng dây, buộc dây cho ớt là thử thách thứ 2, việc này đòi hỏi sức mạnh của đôi tay và trí nhớ. Mục đích là để cây ớt đứng vững khi nó cao đến gần 2 mét, nhiều quả chín xung quanh. Đòi hỏi căng được 6 sợi dây mỗi bên, thành ra là 12 sợi dây/ 2 bên/1 hàng ớt. Mỗi vòm dài tầm 120 mét, đứng đầu này không thấy đầu kia. Mỗi lần kéo một đống dây, rồi nó quấn vào nhau, rồi đứt dây, rồi vướn cỏ cây trên lối đi, rối bù cả lên. Mỗi lần rối thành một cục dây nilon, đứng gỡ dây là một cực hình đòi sự kiên nhẫn. Hậu quả của việc rối dây rất rắc rối, sau này khi buộc dây cho ớt, phải sửa lại mất thời gian vô cùng. Khi đi đánh thuê mình để ý farm kia không căng dây sẵn 12 dây/ 1 lần, mà kéo chỉ 2 dây/ 1 lần, cây cao chừng nào thì mới căng dây thêm chừng đó. Công việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian, căng và buộc dây cho đến khi cây không lớn thêm nữa.

Trồng ớt đâu được 6-7 lần, trong ngày căng dây, buộc dây cho ớt, cứ thế thời gian trôi qua rất nhanh. Quay ngược lại farm ớt đầu tiên trồng, ớt đã cao 2 gang tay, bắt đầu đi vặt hoa, vặt quả con vì cây còn nhỏ, không để nó ra trái. Farm mình có ớt đỏ, ớt vàng, ớt cam, giống và đất mỗi farm cũng khác nên cây sinh trưởng rất khác. Cùng trồng thời điểm cạnh nhau mà có farm cây xanh tốt, có farm thì còi cọc chết tới nơi. Có farm thân cây to, khỏe mạnh, nhưng có farm thì thân yếu, nhiều nhánh. Những ngày này ngồi chăm ớt mà cứ mong tụi nó cao nhanh nhanh để che mát cho các chị. Nắng bỏng lửa, ngồi buộc dây mà không có tý bóng râm nào, nhiệt độ trong farm đâu đó 45 độ. Tới 12h trưa được về phòng nghỉ ngơi tắm, bật máy lạnh đi ngủ, thích thì thôi rồi. Tới 4h chiều lại đi làm tới 7h tối, vì 7pm mặt trời mới lặn.

Làm đâu gần 1 tháng thì thấy mấy người xung quanh ăn dưa lưới, cụ thể là quản lý mình ngồi trên chiếc bán tải gặm dưa. Mình tò mò lắm, vì mình thấy xung quanh cây vừa mới trồng, làm gì mà thu hoạch lẹ vậy. Mình hỏi ổng “Dưa lưới ở đâu vậy, mày mua hả?” Itay đang gặm miếng dưa cuối và nhìn mình kiểu rất tinh quái, kiểu “ở đâu có đứa ngây thơ thế này” ổng cười mỉm mỉm “ờ thì mua”. Đúng là điêu, đâu một tuần sau trong một ngày đẹp trời, tụi mình được đưa ra ngoài sa mạc cách làng mình 15p chạy ô tô thu hoạch dưa lưới. Thì ra boss mình đã trồng trước đó 2 tháng. Dưa mùa này ngon bá cháy. Mình đứng trên con angcala chứa đầy những box dưa đầy ắp mà ghiền, sờ tới sờ lui mãi, Thấy vậy, Itay kêu “Trinh, lên xe nhanh lên, mày đứng đó làm gì nữa. Tụi mày là sinh viên mới, ban đầu vậy thôi chứ về sau là chán. Tới lúc đó, tao kêu đi hái dưa là sợ”. Thu hoạch xong mình chạy lại xin mang một quả về ăn. Itay kêu “mỗi người được lấy một quả, riêng Trinh không được lấy quả nào hết”, tính ổng giỡn nhây, mình thừa biết “Hứ, tao lấy luôn” Lên xe ngồi ôm dưa mà cười không ngậm được mồm, vì bọn mình toàn lựa ăn những quả ngon nhất. Làm nông dân thật là thích, hạnh phúc nhất là mùa thu hoạch nhìn cây lớn lên và trái thay đổi màu.

Một giống dưa ruột trắng, cũng khá ngon :))

2. CÀ TÍM TRỒNG TRÊN SA MẠC ISRAEL

Rồi một ngày nào đó cũng kết thúc thu hoạch dưa lưới sau 4-5 lần hái. Lúc này ớt đã cao hơn 1 mét, bọn mình ngày ngày vẫn buộc dây cho kịp tốc độ lớn đảm bảo cây luôn đứng thẳng. Nếu buộc không kịp, ớt sẽ đổ và gãy nhánh, rất rắc rối. Luân phiên 7 farm như vậy và tiến hành trồng tiếp cà tím. Do boss mình bán cây giống nên các giống cây trong farm rất đa dạng. Cà tím đợt này có 2 giống, mình tự đặt tên là: giống truyền thống và giống hình quạt.

Mình tự đặt tên giống này là cà hình quạt :))
Còn đây là loại cà truyền thống nước nào cũng có. Nhưng giống này quả to lắm, 3 quả/ký

Lúc còn nhỏ nhìn chung cà tím dễ chăm sóc. Khi cây cao tầm 35cm thì bắt đầu tỉa cành, tuy nhiên khi lớn lên thì chăm sóc vô cùng vất vả. Dù những quả cà tím đáng yêu thì lá của nó quá độc hại, lông rất nhiều, mỗi lần thoát khỏi farm cà là ngày hôm đó viêm xoang tới nơi, có máu trong mũi. Giống cà hình quạt quả của nó gai rất nhiều, đâm vào tay thì nhức kinh khủng. Cây cao 2 mét nên mỗi lần thu hoạch rất khó, lá mọc um cả lên, phải quấn dây, tỉa cành mới có lối vào.

Farm cà tím tại Israel mình làm việc :))

Sau này vào mùa đông, giống cà truyền thống không thấy quả vì trời lạnh nên hoa rụng hết trơn. Thế là 4 đứa con gái phải đi xịt thuốc (mình nghĩ là hoocmon hay gì đó) từng hoa cái, đồng thời bẻ hoa đực. Kết quả thật đáng, quả lại bắt đầu nhiều lên. Khiếp sợ nhất là gai và lông cà, tuy nhiên dịch bệnh của cây cà lại còn gớm hơn. Một loại nhện vàng bu khắp nơi, đẻ trứng đan tơ, làm cho lá vàng và cả cây chết dần, quả thì hóa đá. Nó bò lên cả người, rần rần, chưa kể một số loại côn trùng ở đó rất độc, cắn nhức nhối cả tháng như thế. Mỗi lần quản lý chở tới farm cà là mặt người nào cũng nhăn nhó trông đến buồn cười. 4 đứa con gái là phải đến nhiều nhất vì phải chăm sóc nó rất nhiều. Những tháng cuối cùng, mình chán ngấy cà tím, mới 6h sáng đưa tới đây, mình ngồi lỳ trên xe không chịu xuống, mặc cho quản lý mình thúc hối “Đi xuống không tao quăng mày xuống xe bây giờ, nhanh lên”. Mình bảo “Mày chở tao đến farm ớt, farm dưa cũng được, farm cà tím kinh khủng lắm”. Mặt ổng bình thường thì giỡn chứ vô công việc lạnh như tờ giấy, nói gì cũng vô ích. Có hôm trời mưa không làm farm ớt được, boss hỏi giỡn “giờ đi farm cà nha”, cả đám lắc đầu nguầy nguậy, may quá boss chở qua farm dưa 🙂

3. MÙA ĐÔNG ĐẾN – MÙA THU HOẠCH

Thời tiết mùa đông ở sa mạc rất đặc biệt. Chuyển sang giờ mùa đông +1 giờ tùy lúc chính phủ thông báo, thường cuối tháng 10. Nhiệt độ cao nhất cũng chỉ 35 độ nên ở lại farm cả ngày, không về nhà như mùa hè tháng 8 nữa. Từ sáng trời lạnh, mình thức dậy chuẩn bị thức ăn cho buổi sáng 9h và trưa 12h mà tay tê cứng. Đến 9h có mặt trời lên nên ấm lên, đến trưa 12h thì oi ả một chút. Nhưng lạ là sau khi ngủ trưa dậy lúc 13h thì bầu trời thay đổi, nhiệt độ hóa lạnh phải lôi thêm áo ra mặc. Đối với những vùng đất có mùa đông lạnh, nhưng không đến nổi có tuyết và thời tiết rất thất thường như sa mạc Arava, cách chọn áo quần là điều quan trọng. Theo kinh nghiệm của mình cứ mặc nhiều lớp, mình mặc thêm 2 cái áo khoác gió, trời nóng thì cởi theo lớp, trời lạnh thì mặc thêm vào, rất tiện và vẫn đủ ấm. Do thời tiết thay đổi thất thường, nóng lạnh nên mình chuẩn bị hủ mật ong ngâm chanh theo lời dặn dò tha thiết của anh Xuân Tân. Mỗi buổi sáng mình pha với 1 ly nước ấm để giữ đề kháng tốt, đến trưa mình ăn thêm táo, cam, quýt, nho…nhờ vậy mà sức khỏe mình rất tốt, không hề bị bệnh.

Các loại được đóng gói vào thế này rồi cho lên xe lớn, nhìn chung 2 ngày là đến người tiêu dùng trong nước, châu Âu thì tầm 5 ngày

Ngoài buộc giây cho ớt, tụi mình còn phải đi rắc côn trùng sinh học Biobee, rắc rất nhiều lần với nhiều loại côn trùng khác nhau. Những lúc vậy quản lý mình đứng đợi, canh thời gian, đi rắc phải thật tốc độ, ra trễ sẽ bị hỏi là “Mày ngủ hả?”. Tháng 10 là tháng bắt đầu thu hoạch ớt, nhìn những quả ớt chuông đỏ mọng, to, nặng nhìn thích thú vô cùng. Người người cùng nhau đẩy angcala đi bẻ ớt, cắt ớt. Bẻ ớt thì phải bẻ bằng tay và còn nguyên cuống, và tùy giống ớt khó hay dễ mà bẻ nhanh hay chậm. Về sau boss cho kéo cắt, không cần cuống ớt nữa, mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều. Tùy theo thị trường tiêu thụ mà boss yêu cầu hái quả chín 60%, 80% hay 100%. Ban đầu cây sum xuê quả, hái thích ơi là thích, đứng một chỗ là hái full box, nhưng những tháng cuối vụ tháng 3-4, đi mót nó chán thôi rồi, đi cả 2-3 hàng ớt chỉ được 1 box. Đúng là việc gì cũng có lúc thăng trầm. Thu hoạch ớt thì tối ở lại đóng gói ớt, nên thành ra đêm nào cũng về muộn, có những tuần gần những ngày lễ quan trọng ở Israel, về nhà 9h tối, bình thường 7h tối, hiếm khi về 6h tối.

4. DƯA LƯỚI VỤ ĐÔNG TRÊN SA MẠC ISRAEL

Dưa lưới cây còn nhỏ

Trong thời gian thu hoạch ớt 5-6 tháng, khoảng thời gian đó bọn mình trồng dưa lưới bằng hạt và bằng cây con. Giống dưa lưới trồng bằng hạt, ruột trắng leo giàn năm đó thất mùa kinh khủng, rất nhiều nguyên do dẫn đến tình trạng trên. Lý do đầu tiên có thể kể đến đó là nhiệt độ, mùa đông năm đó mùa lạnh kéo dài hơn thường lệ, dưa lưới là cây ưa nóng và quả sẽ chín khi trời nóng. Mùa lạnh ấy khiến quả đã đủ thời gian sinh trưởng (quả già) nhưng mãi không chín. Như vậy dưa lưới sẽ không thể thu hoạch đúng thời gian, lúc này phải dùng tới thuốc để kích thích quả chín. Điều này khiến cho dưa đợt đầu khi bổ ra có vị chua lên men, loại dưa này trong mắt bọn sành ăn dưa mình là loại dưa hạng bét, không thể ăn và phải nhổ ra ngay. Sau khi giải quyết lứa quả đầu mùa, lứa quả thứ 2-3 chịu thêm vài cơn mưa bão mạnh và bệnh dịch không thể cứu vãn. Những cơn mưa bão mạnh khiến một số lượng lớn vòm nilong bao phủ bung ra. Cây dưa lưới là loại cây nhạy cảm, tiếp xúc với nắng gió bên ngoài 1 ngày là cây queo quắt, rệu rã. Năm đó, ngoài farm của ông chủ có kinh nghiệm trồng dưa lưới nhiều năm nhất ở moshav Ein Yahav là thu hoạch ngon lành, trọn vẹn (viết thêm về farm này bên dưới). Còn lại, tất cả các farm khác trồng dưa lưới đều thiệt hại rất nặng nề, có farm ngay từ lứa quả đầu tiên, cây bệnh chết hết hoặc quả nở hoa (dưa lưới gặp nước sẽ bị nứt quả). Riêng farm mình đến tháng 4, những quả dưa bị đục thối bên trong, cây vàng vọt, héo đến tội, đến tận lúc phá farm vào cuối tháng 5 dường như chả thu được bao nhiêu.

Một giống dưa lưới khác farm kế bên, lá vàng rồi nè. Đâu vài tuần sau thì cũng chết cả farm. Làm nông dân rủi ro lắm

Mình muốn nói đến farm dưa bội thu ấy. Farm dưa sát farm cà tím bên mình, của người chủ già tóc bạc, nói rất to, mình thường xuyên gặp vì tối ngày chăm sóc cà. Những vòm dưa lưới và 1 farm cà chua nhỏ là nguồn thu duy nhất cho 8 người công nhân Thái farm ông. Vì 4 đứa con gái nhận nhiệm vụ chăm sóc 40 vòm cà tím nên mình có dịp quan sát sự phát triển của farm dưa ấy. Đó là một farm dưa lưới hoàn hảo đến mức ngưỡng mộ. Khi những farm khác làm vòm dưa méo mó, yếu đuối, nilon phủ nhăn, cảm giác có thể rách nếu gió quật mạnh THÌ vòm dưa nhà ông nilon phủ căng bóng, bộ khung vững chãi. Khi những cây con farm khác vẫn còn yếu đuối, thân nhỏ, nhiều nhánh THÌ cây con farm ông thân to, chỉ một nhánh được quấn mạnh mẽ trên lưới, đợi chờ sự trưởng thành hoàn chỉnh để phát triển quả. Khi farm khác ra quả không đủ chất lượng, một vài quả trên cây rời rạc, sâu bệnh THÌ farm ông dưa lưới quả to, nặng trĩu, nhánh cây phát triển mạnh mẽ khiến ai mình vào cũng thèm thuồng, ganh tỵ. Farm ông khi nào cũng sạch sẽ, cây phát triển đồng đều, xanh ngát. Bên dưới những gốc cây dưa lưới đó là những cây cải, cây ngò ngon lành do người lao động Thái Lan trồng. Mình thường qua đó xin rau ăn vì mùa đông đến rau cải ở farm mình mọc không nổi, mọi cây rau miền nhiệt đới rất hiếm hoi và đáng quý.

Giống dưa lưới ruột đỏ cam này ngon lắm nè

Phần giống dưa trồng bằng cây con, có gốc ghép là bí ngô sinh trưởng mạnh hơn, loại này cho ra loại quả ruột màu cà rốt, được cho là ngon hơn loại ruột trắng. Dạng ruột đỏ này có 2 giống cho ra 2 mùi vị khác nhau, mình dễ dàng phân biệt qua vỏ quả. Cả 2 giống này cho quả dài to và nặng nên boss mình cho bò. Tuy nhiên chỉ có phần cây được trồng trong vòm là thu hoạch ngon lành, còn số lượng cây con trồng bên ngoài, quả tiếp xúc trực tiếp với đất ẩm, quả bị sâu đục và thối vữa. Mình vừa thu hoạch vừa vứt quanh đường đi nhìn phát nản. Tất cả những giống dưa dù leo giàn hay bò tụi mình đều tỉa nhánh, tỉa hoa từng cây. Riêng giống dưa ruột trắng leo giàn ngoài tỉa nhánh, tỉa hoa còn phải quấn ngọn.

Sau khi đã ăn thử tất cả các giống dưa của farm mình lẫn farm hàng xóm của 2 vụ mùa trong mỗi lần thu hoạch. Đám sành ăn dưa đưa ra kết quả “dưa lưới ruột đỏ quả tròn xoe” của farm mình thu hoạch vào tháng 9 là ngon nhất. Giống này ăn rất giòn và ngọt, đặc biệt hơn các giống dưa khác là không bị nóng. Giống dưa ruột trắng ăn vô cùng nóng, ăn xong khàn giọng như chơi. Giống dưa lưới ở Israel nhiều và thơm ngon đến mức ghen tị. May nữa là farm mình chuyên gia trồng thử nghiệm các giống mới nên được ăn với trồng trên nhiều phương pháp canh tác khác nhau. Đó là điều vô cùng thú vị mà mình được trải nghiệm và cũng không kém sự vất vả.

5. MÙA HÈ THÁNG 4

Dù năm nay mùa đông kéo dài hơn thường lệ nhưng mùa hè vẫn phải đến, dù muộn. Cái đáng sợ của sa mạc này là nắng nóng và những bầy ruồi nhung nhúc. Cái nắng nóng xuyên qua lớp nilon và tích tụ xung quanh vòm, rồi hơi nóng nhẹ nhàng luồn lách qua từng lớp áo quần, đến khi không thể chịu nổi thì mình phải chạy ra khỏi các vòm nilon, lát sau lại chạy vào làm tiếp. Những cơn nóng ấy thi thoảng hình thành bão cát. Nếu hôm nào bạn cảm thấy trời nóng lên một cách kỳ quặc thì khi làm về, một chiến trường cát phủ đầy bàn, ghế, chén dĩa, tủ lạnh. Nhà bếp ở đây là nhà bếp mở thế nên đón cát rất tốt. Sau lần thứ 2 dọn dẹp vì mấy cơn bão cát thất thường, bọn mình lấy những bao đựng rác lớn trùm kín đồ đạc trước khi đi làm. Có hôm trời gió lớn, boss đến đón bọn mình đi làm ca chiều, qua cửa kính xe, mình thấy cát sa mạc bùng lên, che kín bầu trời như sương mù. Một màu vàng rực dưới ánh nắng chiều, che lấp kính xe, không thấy rõ phía trước, cần gạt trước xe hoạt động liên tục. Boss cười nói “So nice”, mình đồng ý với ông ấy, cảnh tượng đó đúng là đẹp ngỡ ngàng.

Chỉ có đi làm nông là nắng thôi. Còn mọi thứ đều thoải mái

Có những ngày mình bực bội khi nồi gà hầm cà rốt mình bị ruồi đẻ trứng nhung nhúc, mình mang đổ trong hối tiếc. Mình đã đậy nắp rất kỹ, thế mà mấy con ruồi ấy luôn cố gắng chui vào cho bằng được thông qua lỗ thoát hơi nước, mặc cho đẻ trứng xong, chết luôn trong nồi, không có đường ra. Bọn ruồi đáng ghét ấy không tìm được nơi nào khác trên cái sa mạc này để đẻ trứng nên chúng nó bất chấp hậu quả. Mình hỏi quản lý “tại sao lại nhiều ruồi như thế”, ổng trả lời “hết mùa dưa lưới sẽ hết ruồi thôi”. Ấy thế mà mình chả thấy hết ruồi bao giờ.

Mùa hè đến, hồ bơi lại mở cửa, buổi tối đi làm về mình ra bơi được 20 phút thì kết thúc, 7h30 tối là lúc nhường chỗ cho cư dân trong moshav, người từ vùng khác đến du lịch hay sinh viên ở đây chỉ được bơi trước 7h30 tối. Đôi khi tối đi làm về trễ, mình đi bơi lúc 12h trưa, mùa hè 15:00-16:00 mới đi làm, giờ đó ít người nên thoải mái hơn hơn.

6. LÍNH ĐÁNH THUÊ THỨ 7

Thứ 7 là ngày shabbat được nghỉ (giống ngày chủ nhật nước khác), tuy nhiên nông nghiệp rất khác, nếu bạn nghỉ lễ, tết thì mặc bạn, cây vẫn sinh trưởng, quả vẫn chín và đơn đặt hàng mùa lễ cao hơn mức thường lệ. Tùy vào mùa thu hoạch từng loại quả, rau khác nhau mà cần nhiều người làm hơn mức thường lệ. Những lúc này các farm ấy cần người làm thêm ngày thứ 7 cho kịp đơn hàng, mình rãnh rỗi nên vẫn đăng ký đi kiếm tiền, tiện thể xem các farm khác trồng trọt ra sao.

Đi ra ngoài làm thú vị không kém, sáng mắt cả ra. Cùng là trồng ớt, cùng là farm ở Ein Yahav nhưng cách trồng của các boss rất khác nhau, có farm không cày đất, không cắt dây (họ sử dụng những sợi dây cáp rất chắn chắc), vụ mới chỉ cần cắm cây vào trồng, farm mình thì cày tơi cả lên. Có farm ớt kia cách buộc dây và giữ cây bằng những cây kẽm, farm mình không dùng tới kẽm, chỉ dùng loại dây dùng một lần. Có lúc thì đi bẻ hộp để đóng chà là (làm cho farm chuyên gia đóng gói chà là). Có lúc cả đám đi tỉa chùm nho, những quả bị tỉa thay vì vứt xuống đất thì mình cho vào mồm ăn. Hai vợ chồng già chủ farm nho rất hiền từ và dễ thương, con trai của họ cũng là thầy dạy mình môn Aquarium, thầy có farm cá cảnh xuất khẩu đi châu Âu và Mỹ.

7. THÚ VUI TRÊN SA MẠC

Không hẳn cuộc sống mình là những ngày đi làm, tiền mỗi tháng kiếm đều đều, thỉnh thoảng công việc tay chân lặp đi lặp lại rất chán đòi hỏi mình phải luôn kiếm trò gì đó để nạp năng lượng tích cực. Con người mình nếu sống và nói chuyện với những người suốt ngày chỉ nói chuyện về chuyện trai gái tán tỉnh nhau, về lương, về tiền, về bếp núc, không sớm thì muộn, mình sẽ chết vì chán. Mỗi tháng mình đều đi du lịch, đi với trường, với bạn và cả đi một mình. Tối đến đi ăn kem, tiệm kem ở moshav mình ngon lắm, hay ăn pizza gần siêu thị.

Mỗi tuần tụi mình được xe đến đón đi học. Đứa nào đi trễ 2 phút tự đi bộ bắt xe buýt, có đợt mình đi trễ, đón xe buýt đồ tới nơi đã trễ 2 tiếng. Ở farm làm mà không hiểu mang lên hỏi giáo viên, giáo viên ở đây nhiệt tình lắm, ngồi hỏi thoải mái. Các cô, thầy là người Do Thái có farm riêng và học vấn cao, có kinh nghiệm thực tế nên khỏi lo. Có bữa rãnh quá cô cho phép hỏi gì cũng được. Mình mới nhờ cô chỉ cách làm pizza Israel, vì mình bị nghiện pizza ở đây, cô bảo cô không nhớ công thức. Ngờ đâu hôm sau, cô ấy gửi mail cho leader mình công thức làm bánh pita, bảo chuyển lời cho đứa sinh viên đã hỏi :)) p/s: Pita và pizza là 2 loại bánh khác nhau :))

Kem ăn toàn mùa lạnh, loại kem sữa chua. 20sk/ ly

Có khoảng thời gian suốt 6 tháng, 2 buổi/ tuần bọn mình đi học tiếng anh buổi tối ở công viên, do Joshep người Kenya dạy. Anh ấy thường phát âm từ person là “bason” khiến mình luôn trố mắt không hiểu anh ta đang nói gì. Anh ấy rất kiên trì và tâm huyết với việc dạy học tiếng anh của mình nên bọn mình đi học rất chăm. Có những đêm mùa đông lạnh cóng, sau khi làm về, mình quấn cả cái chăn ra công viên ngồi học, mục đích để cho gió lạnh làm tỉnh táo. Có lần ảnh bắt mình viết bài essay, chủ đề là về ảnh, mình từ chối vì mình méo biết viết gì. Một thời gian sau công việc farm Joshep phải làm tăng ca nên việc học kết thúc.

8. CẢM NHẬN CUỘC SỐNG NƠI ĐÂY

Cuộc sống này đối với một số người là nhàm chán vì không bar, không pup, không quán xá, party… nhưng đối với mình, mình thích cuộc sống êm đềm nơi đây. Mình chưa từng thấy ốc đảo ở sa mạc nào mà lại giàu có đầy đủ như vậy. Cũng không thấy sa mạc nào mà lại đông dân sống như vậy. Trong mắt mình sa mạc là nơi chỉ có đá và cát, vài loại cây xương rồng đơn độc trong những cơn bão cát. Vậy mà con người nơi đây thích nghi rất tốt với điều kiện sống. Nước bị nhiễm mặn thì đi lọc nước biển, tái chế nước. Muốn trồng dâu ở sa mạc thì mua máy lạnh công nghiệp đặt vào trong nhà kính. Muốn cây mọc trên sa mạc thì dùng hệ thống tưới nhỏ giọt. Cứ khó khăn là họ tìm ra giải pháp. Con người họ vẫn sinh con đẻ cái, nuôi dạy con tốt, ra đường những đứa trẻ vẫy tay chào nhiệt tình mặc dù không quen biết. Rồi những đứa trẻ ấy lớn lên đi lính, rồi học đại học ở Tel Aviv. Sau khi kết hôn, sinh con lại quay trở về nơi họ sinh ra để nuôi dạy những thế hệ tiếp theo.

Không biết sao, mình cực kỳ thích và yêu quý con người nơi đây. Yêu cả cơn bão cát mặc cho khi trở về mình biết mình phải dọn nhà cửa 🙂

  • Các bạn có thể đọc thêm thông tin và các chuyến du lịch Israel của mình tại đây

Mọi thắc mắc về thông tin du lịch học tập ở các nước, các bạn có thể email về cho mình ltmtrinh93@gmail.com. Ngoài ra, các bài trên đều là chất xám, trải nghiệm của mình viết nên, các bạn có thể chia sẻ link, không sao chép dưới mọi hình thức. Cảm ơn các bạn!

CÓ THỂ BẠN CŨNG THÍCH