Nội dung bài viết
Thời gian sống học tập và làm việc với những mái đầu Do Thái là khoảng thời gian mình yêu thích nhất. Vì mình tiếp xúc toàn những người nông dân và sống ở sa mạc nên mình sẽ nói sâu về nông nghiệp trên sa mạc của họ.
Bài viết đúc kết 10 tháng học tập và làm việc tại Israel, tuy dài nhưng hi vọng bạn đọc hết. Vì sao các sản phẩm nông nghiệp họ đạt năng suất cao như vậy, đẹp như vậy, lại xuất khẩu giá cao như vậy? Hi vọng bài viết sau đây có câu trả lời cho bạn.
Nông nghiệp Israel ngoài cung cấp thực phẩm cho khoảng 8 triệu dân sinh sống, thì còn xuất khẩu qua các thị trường nước Nga, châu Âu, Mỹ… Bên cạnh đó một số sản phẩm nông nghiệp khác như chà là xuất khẩu sang thị trường Ả Rập.
1. Tỉa cành, lấy chất lượng hơn số lượng
Nếu bạn dành thời gian xem các video các sản phẩm đắt đỏ hàng đầu thế giới như bò Kobe, xoài Myazaki, dưa lưới Yubari… thì điều dễ nhận ra ngoài giống tốt đó là sự chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận, hoàn hảo từng công đoạn. Ở Israel, công đoạn chăm sóc cũng không kém, nước tưới nhỏ giọt từng gốc cây, ví như cà tím chỉ tỉa còn 3 nhánh chính, khi ra hoa cũng ngắt hoa đực đi để chất dinh dưỡng tập trung hoàn toàn vào một quả. Dưa lưới bò cũng để lại 3 nhánh, dưa lưới leo cũng để một gốc khỏe mạnh. Mình thường đi tỉa những quả ớt méo mó để cây còn những quả to tròn thôi. Hoặc vào mùa đông lạnh, ong lười thụ phấn, thì vẫn phải đi thụ phấn từng hoa cái. Chà là cũng vậy, ví dụ cây chà là cao 5 mét, thì chỉ 5-7 chùm quả chà là thôi, còn lại tỉa hết (này ví dụ thôi, chứ mình thấy người ta tỉa, tùy boss). Muốn biết chính xác cách tỉa phù hợp thì bạn tự thử nghiệm trực tiếp trên giống của mình. Mỗi boss có một cách làm khác nhau.
2. Bài học về trồng cây trái mùa
Các cách để tăng giá trị sản phẩm mà các nông dân Israel đã làm:
a. Xuất khẩu những loại rau củ mà các nước có mùa đông không trồng được
Mùa đông ở châu Âu và Nga phủ tuyết nhưng ở Israel chính là thời gian thu hoạch. Ở châu Âu, Nga vào mùa đông thực phẩm khan hiếm, phải nhập khẩu rau củ qua từ Tây Ban Nha, tuy nhiên vẫn không đủ. Israel nhân vị trí địa lý thuận lợi, chỉ 2-3 ngày đi tàu là đến cảng Hi Lạp, Pháp, họ đã xuất khẩu hàng ngàn tấn rau củ, hoa và cá cảnh mỗi năm đến đó.
Tương tự gần Việt Nam là Trung Quốc thị trường 1,5 tỷ dân, nếu chọn lựa xuất khẩu nên chọn loại cây quả nào mà mùa đông Trung Quốc khan hiếm ấy. Rau củ TQ bây giờ nhân công rẻ, sử dụng công nghệ cao nên quả to đẹp, giá thành sản phẩm rất rẻ. Nước mình trồng mà không tìm hiểu thị trường thì đổ đống là chuyện tất yếu.
b. Thu hoạch sớm hơn mùa vụ để giá cao hơn
Nếu trồng nho, nho ra đúng dịp lễ lớn sẽ bán được giá hơn khi không có ngày lễ nào. Nếu mùa thu hoạch nho đúng vụ SAU LỄ tận 20-30 ngày, thì cũng là lúc nho Nam Mỹ hay châu Âu thu hoạch thì giá nho sẽ rất thấp, cạnh tranh không nổi với thị trường nho nhập khẩu hay các farm khác. Người nông dân Israel đã tìm cách cho nho ra hoa sớm hơn bằng cách dựa vào tập tính phát triển của nho. Họ cho phủ nilon sáng màu hấp ánh nắng tốt, không mở cửa tránh thoát nhiệt. Lúc này nhiệt độ trong farm tăng khiến cây nho nghĩ rằng mùa đông đã qua đi, bắt đầu ra hoa kết trái, mặc cho thời tiết bên ngoài vẫn lạnh.
Tương tự với các loại quả khác, khi bạn bán bơ vào thời điểm không phải mùa bơ thì bơ bạn là duy nhất còn gì, giá cao là chuyện đương nhiên. Mình thấy nhiều khi chất lượng ko bằng chính vụ, nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận vì thèm hay cần thiết trong các món ăn đó.
3. Nghiên cứu giống phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng đất đai
Sa mạc ở Israel toàn sỏi đá, rất khó để trồng và phát triển nông nghiệp rau củ quả như các nước khác. Sau chiến tranh họ mua đất từ Jordan đổ lên sa mạc và tiến hành trồng các loại lương thực, rau củ. Sau này họ còn lấy đất từ các núi lửa, loại đất này cung cấp chất dinh dưỡng rất tốt. Nếu bạn có cơ hội đến các farm trên sa mạc, đất ở đó rất đặc biệt. Loại đất khô cứng nhưng khi gặp nước thì mềm nhũng ra, giữ nước đủ tốt trong thời tiết nắng nóng, khô hạn. Các moshav, kibbutz cách nhau 10-20km tuy nhiên mỗi nơi trồng các loại cây khác nhau vì thời tiết, nhiệt độ khác nhau. Chẳng hạn moshav Paran thời tiết mát mẻ hơn trồng chủ yếu ớt ngọt, hoa. Moshav Ein Yahav hay Hatzeva trồng được những loại cây ưa nóng như dưa lưới, dưa hấu, nho, kibbutz Eilot trồng nhiều là chà là.
Các cây giống được nghiên cứu sao cho hội đủ các điều kiện sau: ngon, đẹp, năng suất cao, kháng bệnh tốt, dễ chăm sóc, thu hoạch… đặc biệt phải chịu nhiệt tốt. Do dày công nghiên cứu nên các hạt giống ở Israel rất đắt đỏ. Các loại giống nổi tiếng là lựu đỏ, ớt ngọt, cà chua bi… khi đến đây bạn nên mua ăn thử.
4. Tư duy bán hàng của boss mình
Boss mình là người vô cùng kiệm lời, chỉ nói vài câu cần thiết, thi thoảng ổng cũng đùa vài câu (bản tính đùa ăn sâu vào máu người Do Thái rồi :)). Theo mình nhận thấy boss mình là người nông dân kinh doanh tài ba, ông ấy bán mọi thứ có thể :))
Ở moshav Ein Yahav mình có rất nhiều farmer trồng ớt ngọt, boss mình có thể nói là một đại lý thu mua ớt các bạn ạ. Cứ mỗi chiều tối vào tháng cao điểm thu hoạch ớt, từng tractor từ các farm khác đến packing house mình giao ớt, từ loại đã đóng gói đến chưa đóng gói. Có lần ổng chở tụi mình đi ra farm, nhìn thấy farm ớt cam của farm khác phá bỏ, bên trong ớt vẫn còn rất nhiều, trong khi mới đâu tháng 2, đang thời gian thu hoạch. Tụi mình nuối tiếc vì bên mình đang rất cần ớt màu cam, năm nay ớt cam năng suất kém, còn farm người ta thì phá sớm. Boss mình lắc đầu nuối tiếc nói “Before you grow, you need to study how to sell first” – Trước khi trồng cái gì, phải học cách buôn bán trước.
Với ông mọi thứ đều có thể bán, ông trồng ớt ngọt 3 màu: đỏ, vàng, cam và khi bán thì 4 màu: đỏ, vàng, cam, xanh lá. Mình hỏi ông tại sao lại hái quả xanh thế này? boss bảo “Vì thị trường có nhu cầu”. Ngày bọn mình báo cáo thực tập ông đến dự, nhóm mình phân chia ớt farm mình là quả đẹp (tròn, to, đỏ, bóng) và quả xấu (nhỏ, móp méo), sản lượng bla bla… Boss mình không đồng ý, ông cho rằng ớt ông KHÔNG XẤU vì mỗi loại ớt đều có thị trường riêng của nó. Ớt quả to thì xuất khẩu đi Nga, Nga thích cái gì cũng to. Ớt nhỏ thì xuất khẩu đi Anh, Anh thì thích nhỏ vừa thôi. Còn loại kém hơn thì tặng cho những người nghèo, vô gia cư, đóng thùng làm thương hiệu đàng hoàng =))) Ngoài ra boss còn kinh doanh cây giống cho các farmer khác trong moshav, nhờ vào lợi thế có bãi đỗ xe lớn ngoài moshav. Các farmer khác, container cỡ lớn không thể vào trong moshav được muốn giao hàng phải thuê bãi đổ farm mình. Nhiều khi thấy mấy quả bí ngô, sản lượng vài quả cũng thấy boss mang đi bán, không biết boss bán kiểu gì.
5. Bài học từ loài ruồi Địa Trung Hải (ĐTH)
Khi học ở AICAT bạn sẽ được dạy về bài học con ruồi Địa Trung Hải. Trước đây loại ruồi đó là hiểm họa của người nông dân Israel. Cứ mỗi đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu mà có loại ruồi này là nguyên đất nước bị cấm xuất khẩu luôn. Vườn nào dính phải loại ruồi này là nó đục quả, mất 60% sản lượng luôn. Thế là người Do Thái tiến hành nghiên cứu thì phát hiện con ruồi cái ĐTH mỗi vòng đời chỉ giao phối với con đực 1 lần duy nhất, sau khi đẻ xong thì chết. Họ bắt đầu nảy ra ý tưởng nuôi ruồi đực khỏe mạnh, đẹp nhưng vô sinh rồi thả vào môi trường tự nhiên, thế là mọi chuyện được giải quyết 🙂 Họ nuôi trứng cho vào nhiệt độ 35 độ C trong vài giây (mình không nhớ chính xác bao nhiêu độ lắm) => ruồi đực. Ấu trùng ruồi đực mang đi chiếu xạ để bị vô sinh. Ấu trùng nở ra được nuôi trong điều kiện tốt nhất nên rất đẹp mã hơn so với ngoài tự nhiên. Sau đó 1-2 lần/ tuần dùng máy bay thả ruồi từ trên cao xuống những vùng có farm. Nếu đang làm ngoài farm nghe thấy tiếng máy bay vòng vòng thì chính là để thả ruồi đực đó. Công việc này đến đây đã hơn 10 năm, và tỷ lệ ruồi ĐTH kiểm soát còn 1%, không thể tiêu diệt hết được. Và thế là nông sản Israel lại được xuất khẩu.
Không chỉ về ruồi mà còn rất nhiều nghiên cứu tâm huyết khác như trồng thanh long trên sa mạc, trồng chà là sao cho tiết kiệm nước, trồng mơ trái mùa… đang được thực hiện không biết bao nhiêu năm. Với họ mọi thứ đều có giải pháp, chỉ cần kiên nhẫn nghiên cứu.
6. Hỗ trợ cùng nhau phát triển
Trong buổi báo cáo thực tập, một farmer đứng lên phát biểu rằng ông hiểu sự khó khăn khi trở thành farmer đơn lẻ vì vậy họ khuyến khích hợp tác làm chung. Ông nói có như vậy mới cạnh tranh nổi với thị trường ngoài kia. Ví dụ 5 boss, mỗi boss có 10ha, tổng thành 50 ha, cùng mục tiêu xuất khẩu ớt chuông qua Mỹ thì sẽ thống nhất cách trồng giống nhau, hạt giống như nhau, thuê chuyên gia sâu bệnh chung. Đầu tư chung một packing house, sử dụng chung một nhóm lao động, thu hoạch, xuất khẩu chung một đợt. Họ hiểu rằng farmer nhỏ mới bắt đầu sẽ không cạnh trạnh nổi sản phẩm trong nước hay nước khác.
7. Chính phủ Israel
Cách đây 50 năm nhờ những chính sách phát triển nông nghiệp và đầu tư nghiên cứu của vào MOP mà nông nghiệp Israel phát triển. Các luật áp đặt vào người nông dân canh tác rất khắc khe dù là trồng hay chăn nuôi. Vì chỉ cần một người nông dân xuất khẩu 1 lô hàng gặp vấn đề vi rút, sâu bệnh… là cả đất nước khó để có đơn hàng tiếp theo từ châu Âu hay Mỹ. Nếu farmer nào nguồn hàng có nguồn virut, sâu bệnh nguy hiểm thì tịch thu giấy phép. Nhờ những điều này mà khách hàng yên tâm khi nhập hàng từ Israel.
Chính phủ kiểm soát luôn nguồn lao động. Nếu farmer có những chính sách gian dối, người lao động bị các vấn đề lương thấp, thì chính phủ sẽ không cung cấp lao động nữa. Có trường hợp người lao động chết vì tai nạn lao động, nếu chết quá 2 người, farmer đi ở tù, vì đây được xem như trách nhiệm của farmer.
8. Công nghệ quản lý lao động ở Israel
Bên cạnh hệ thống tưới nhỏ giọt, hệ thống tưới nước và chất dinh dưỡng tự động thông qua đám mây của Technion, …Mình thấy một app rất hay và tiện lợi dùng để quản lý người lao động. Cứ mỗi lúc thu hoạch xong, người lao động sẽ scan mã vạch trên box, boss sẽ biết được mỗi người lao động thu hoạch bao nhiêu box một ngày. Hoặc thu hoạch xong một vòm thì scan mã vạch vòm đó. Boss chỉ cần ngồi ở nhà có thể biết được là họ làm xong tới chỗ nào, farm số mấy, tiến độ công việc như thế nào. Như vậy khó có lao động nào lười biếng ngồi ngủ. App này tên Pick app do một boss ở moshav Paran phát minh, kỹ sư 35 tuổi :))
Ở Israel, hệ thống tưới nhỏ giọt là cơ bản, một số công nghệ cao không phải farmer nào cũng áp dụng. Thường chỉ những người trẻ mới chịu thay đổi, còn người già nào giờ họ không dùng đến nên cũng không muốn thay đổi làm gì. Khi thay đổi lại phải thay mới nhiều máy móc, thiết bị, tiêu chuẩn khác mới vận hành được, chi phí lại tăng. Nên nhiều farm có thể nói còn kém hiện đại hơn farm ở Đà Lạt, chủ yếu dùng tay chân là nhiều. Như boss mình thuê quản lý farm mỗi ngày đều phải chạy ra farm 2-3 lần kiểm tra nước, phân bón có hoạt động đúng ko, trong khi đó farmer khác ngồi ở nhà xem qua máy tính. Rồi người quản lý phải canh giờ thu hoạch, thỉnh thoảng check xem lao động có làm hay ngồi chơi, trong khi đó farmer khác ngồi xem pick app là biết.
Bài viết đúc kết từ những kinh nghiệm làm việc miệt mài của bản thân mùa đông lẫn hè, bạn bè farm 57 moshav Ein Yahav, bạn bè farm boss Pick app moshav Paran, những buổi học tại Aicat, những chuyến tham quan farm tại Paran, những buổi nói chuyện tại sao, tại sao… với thầy cô, quản lý farm, bạn bè, leader… Nếu ai đó trồng ớt, dưa lưới, cà tím muốn biết cách chăm sóc, thu hoạch, đóng gói thì có thể hỏi mình, nếu mình biết, mình sẵn sàng hỗ trợ.
Các bạn có thể đọc thêm thông tin và các chuyến du lịch Israel của mình tại đâyMọi thắc mắc về thông tin du lịch học tập ở các nước, các bạn có thể email về cho mình ltmtrinh93@gmail.com. Ngoài ra, các bài trên đều là chất xám, trải nghiệm của mình viết nên, các bạn có thể chia sẻ link, không sao chép dưới mọi hình thức. Cảm ơn các bạn!