Nội dung bài viết
Sáng ngày đầu tiên mình cuốc bộ 30 phút để lấy giấy phép leo núi thì cục du lịch Nepal đóng cửa vì nghỉ lễ, hẹn mai rồi đến, mình lủi thủi đi về. Tính mình thì hay ngó nghiêng lung tung, một phần để ý bảng tỷ giá tiền 🙂 xem chỗ nào tỷ giá tốt, một phần để ý hàng hóa, đặng còn buôn bán. Người Nepal thì thuận bên trái, mình thì người Việt tất nhiên theo thói quen đi bên phải, khi va phải tùm lum người thì nhớ ra phải đi bên trái. Thành thử ra chạy loạn cả lên, may mắn là không bị xe máy nào tông.
Gặp gỡ anh bác sĩ người Tây Tạng
Bỗng một anh chàng người Tây Tạng mặc áo choàng đỏ quẹt qua mình và khững lại nhìn mình cười một cái, mình lịch sự cười lại một cái. Vì ở Nepal nó zậy á, không quen biết gì chứ ra đường là dân địa phương, châu Âu, châu Á gì chào nhau ì xèo cả lên 🙂 Tự nhiên ai đến đây rồi thì đứa nào cũng trở thành hoa hậu thân thiện, chào hỏi nhiệt tình thấy ớn, câu cửa miệng luôn là “namaste”.
Bây giờ nghĩ lại lúc đó mình đang đi bên phải 🙂 đi bên trái không quen. Ảnh nhìn mặt mình “China?”, mình mới bảo là Việt Nam. Ảnh không tin nổi và kiểu kiểu như có duyên gặp gỡ ý. Và rồi anh ta bắt đầu làm quen, giới thiệu anh là Ngawang bác sỹ ở đây, có phòng mạch, năm trước anh ấy có về Việt Nam khám bệnh cho mọi người. Thỉnh thoảng anh ấy hay lên Manaslu (núi cao thứ 8 thế giới) hái thuốc và khám bệnh cho mọi người trên đó. Tinh thông tiếng anh, Trung Quốc, Tây Tạng và Nepal.
Sau thì mời mình đi uống nước tại một nhà hàng nào đó ở Thamel, mình mù đường xá, chịu. Mình mới hỏi “Vậy anh đi theo em vậy có đòi tiền gì không đó, vì sáng nay có thằng nhóc người Nepal ở đâu xuất hiện. Đi theo em giới thiệu thành phố xong nó kêu em trả tiền. Em không có tiền đâu”. Ảnh cười, anh bảo anh là bác sĩ, có phòng mạch, có tiền nên không việc gì đòi tiền mình cả. Rồi cẩn thận show hình ảnh ở Việt Nam và trên núi để minh chứng anh ấy không phải kẻ nói dối.
Xong anh ta mời mình đến phòng mạch, cách Thamel tầm 15 phút chạy xe. Ờ thì mình cũng đang rãnh nên đi theo. Một phần mình tò mò về Tây Tạng lắm, mình hỏi về đá, về vòng, rồi hỏi về Lhasa xem xem có thông tin gì khác báo chí không. Anh ta bắt taxi, bảo mình núp đi, vì họ thấy mình là người nước ngoài giá sẽ cao gấp 2 lần.
Bảo tháp Boudhanath, Nepal
Ngoài Thamel ra thì các thành phố khác ở Kathmandu khói bụi mù mịt, thấy du khách Tây đông đảo, mình hỏi ảnh “Ủa phòng mạch anh ở đâu, sao khu này nhiều khách du lịch vậy?” Ảnh bảo “Ở đây có cái đền to lắm nên khách du lịch nhiều lắm” Đến nơi rồi mới ngả ngửa thì ra là Boudhanath stupa, bảo tháp lớn nhất Nepal và cũng là một trong những bảo tháp lớn nhất thế giới, kỳ quan Phật Giáo, đồng thời là nơi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Chẳng ai biết được bảo tháp được xây dựng từ khi nào, thông tin về nó được xem như truyền thuyết, một câu chuyện được viết trong mật tự rất bí ẩn. Chỉ biết rằng đây là nơi chốn cực kỳ linh thiêng, người xưa thường đến đây cầu nguyện trước khi đi Hi Mã Lạp Sơn hoặc đi qua những thung lũng đầy cướp. Đây là những thông tin mà đến khi ngồi viết blog mình mới biết. Và mình đến tham quan nó với cái não trống rỗng, chỉ thấy đây là nơi có kiến trúc tuyêt đẹp.
Mình ngồi ăn cơm trưa cũng lựa nhà hàng để dễ dàng nhìn nó suốt dưới ánh chiều tà. Mình cực thích cờ ngũ sắc nên cứ đứng sờ mãi, và cái anh Tây Tạng ấy chụp cho mình một đống hình. Ngoài ra mình đi dạo mấy vòng quanh bảo tháp ấy, không cầu nguyện, không mục đích. Thật ra mình tính khi nào leo núi thành công, dư thời gian rồi đi, ai ngờ đâu lại đến đây sớm hơn dự định, nên chưa biết gì ngoài cái tên, số trời.
Phòng mạch Tây Tạng
Và cái phòng mạch ấy nằm chễnh chệ ngay đối diện cái bảo tháp to lớn ấy =) Đây là nơi tập trung rất đông người Tây Tạng sinh sống. Anh ấy lôi vèo mình qua cổng, mình thì cứ đi theo chứ không rành nơi này. Mình hỏi “ủa ủa có cần mua vé không?” Ảnh bảo không cần. Đến tối các anh Việt Nam đến đón mình thì mới biết phải mua vé. Sau một hồi đối thoại trên đường, anh ấy biết mình sẽ leo núi AC, ảnh đưa cho mình vỉ thuốc 12 viên, một dạng của diamox nhưng được sản xuất từ một công ty dược lớn ở Tây Tạng, loại thuốc này không có tác dụng phụ như diamox của Tây Y. Mình vô cùng biết ơn vì lòng tốt anh ấy. Đang ngồi ăn trưa với mình ở nhà hàng Trung Quốc, anh ấy nhận cuộc gọi rồi xin phép về trước.
Tưởng sao mình quên cái vỉ thuốc ở phòng mạch, ghé lại lấy thì thấy một màn chữa bệnh kiểu Tây tạng, thì ra anh ta bị khách gọi nên về, thế là mình ngồi xem. Mình thấy anh Ngawang uốn nắn tay chân cho mấy bạn người Trung Quốc hay Taiwan gì đó, đại khái là trật khớp lưng hay gì gì ấy.
May mắn khám bệnh free trước khi leo núi
Mình xem một màn xong, khách về, mình bắt đầu lý sự “Ê có khi nào em đi leo núi, xong vác balo nặng quá trật khớp y chang vậy không, chắc tiêu quá” Xong ổng thở dài, kêu vào bàn ngồi bắt mạch, đo nhịp tim đồ. Xong ổng bảo mình huyết áp thấp, tim mạch okay, cứ yên tâm mà leo…
Nhờ anh ta chẩn đoán nhịp tim mà mình đã tự tin, vui vẻ đi leo núi và không quan tâm mấy vụ chết người của cô Singapore kể nữa. Bảo mình “Em leo AC là dễ lắm rồi, thử leo Manaslu đi, cực khó, chỉ cần suy nghĩ tích cực mình làm được là okay”. Qua bắt mạch thôi mà đoán đúng 100% mình bị vấn đề gì, nguyên nhân tại sao, rồi dặn dò mình không ăn cái này, cái kia. Hẹn khi nào xuống núi thì ghé lấy thuốc để điều trị mấy bệnh vặt của mình. Mình lại bảo “Thuốc anh bán có mắc không đó, em không có tiền đâu” Ảnh mới bảo “Thuốc rẻ lắm, chỉ vài 300 rupee à” Mình lẩm bẩm tính chỉ vài đô la, rẻ thật.
Điều đáng buồn là anh ta lại thích mình, điều này khiến mình không thoải mái, thế nên khi xuống núi mình không quay trở lại phòng mạch anh ta lấy thuốc nữa. Chỉ nhắn tin cảm ơn vì vỉ thuốc và báo cho anh ta mình an toàn. Mà nói thật trên đường leo núi toàn gặp bác sĩ, đâu ra mà lắm thế, bác sĩ nước Ireland, nước Pháp, ủa ủa Himalaya là thiên đường trai bác sĩ sao =))
Chiều 4 giờ, ăn no cả bụng lẫn no cả mắt, mình gọi cho các anh Việt Nam đã quen ở sân bay đến tòa tháp này chơi, chỗ này đẹp lắm. Mình về Thamel đi ăn tối cùng mọi người, ăn dah bhat và uống bia Everest, thề uống có lần nước lạnh đó thôi, cho biết mùi bia Nepal như thế nào ý mà.
Con bé 5 tuổi đi leo núi ở Nepal
Lát sau, mình đang lựa mua găng tay, gậy leo núi và một vài thứ để mai leo núi thì nghe tiếng trẻ con nói tiếng anh bì bõm vọc rổ đồ gần đó. Mình quay qua nhìn thì rõ ràng con bé nhỏ xíu khuôn mặt phương Tây, ko phải con nít Nepal. Hầu hết 90% ng nước ngoài đến Nepal để leo núi và mình chắc con bé cũng không phải ngoại lệ. Mình hỏi người phụ nữ gần đó
– “Con chị hả?”Cổ cười “Con tôi đó’.
– Mình hỏi tiếp ‘Con bé bao nhiêu tuổi’ => ‘5 tuổi’
– Mình: “Con bé đến đây để leo núi hả chị?” Mình ngờ vực hỏi lại vì ko tin nổi “Đúng rồi” cổ nhìn con bé rồi cười và trả lời.
-“Vậy là con bé leo cung Poonhill? Nhưng nghe nói trên 7 tuổi mới leo mà?’ – vì đây là cung dễ leo nhất, người già trẻ nhỏ gì cũng leo được.
– Người mẹ trẻ trả lời “Con bé leo được, không sao, nó 5 tuổi 2 tháng rồi mà”
Mình cũng không nhớ hai mẹ con người nước nào nữa. Cung này nói là dễ nhưng cũng mất ít nhất 3 ngày, rất nhiều bậc thang, nhưng người mới bắt đầu thường chọn cung này để thử sức. Tự hỏi, con nít bên mình bảo bọc quá rồi, không dám cho đi đâu vì bệnh, đi chút xíu về là sốt cao.
Và hậu quả đêm đó đau bao tử quằng quại ở hostel, vì chiều nay nạp đồ cay nóng Trung Quốc+ uống bia lạnh. Mình khó nhọc lục balo trong bóng tối để tìm thuốc than hoạt tính, uống 2 viên nhưng vẫn cứ đau. Nghĩ thầm nếu mai vẫn đau, mình lại phải delay thêm một ngày.
2 comments
Bạn ơi, sắp tới mình có đi trekking ABC ở Nepal nên bạn cho mình hỏi vỉ thuốc diamox 12 viên do công ty dược Tây tạng sản xuất mà bạn được tặng á, bạn còn giữ hình hay gì đó ko, cho mình xin để mình mua với ạ. Cảm ơn bạn rất nhiều.
lâu quá rồi mình ko còn nữa bạn
Comments are closed.