Nội dung bài viết
Thời gian tốt nhất để leo núi cung Annapurna Circuit (viết tắt là AC) là tháng 10-11, đây là thời gian tuyệt vời nhất để trekking các núi ở Nepal. Bầu trời trong xanh, nhìn rõ, tuyết vẫn còn, độ lạnh có thể chịu đựng được, nguy cơ xảy ra bão tuyết, động đất thấp nhất. Chuyến leo núi dự kiến hơn 10-15 ngày, và vé máy bay mình đi 20 ngày. Thời tiết Nepal ở Kathmandu tầm 15 độ, và trên núi mình chắc chắn là âm độ.
1. Thông tin cơ bản về Himalaya
Dãy Himalaya là dãy núi có nhiều đỉnh núi cao nhất thế giới, kéo dài qua 3 quốc gia Nepal, Trung Quốc, Ấn Độ. 8 trong 10 đỉnh núi cao nhất thế giới đều nằm ở Nepal, núi Everest là một trong số đó. Người ta nói riêng chân núi Everest là Evesest Base Camp (5380m) đã cao hơn bất kỳ cái núi nào ở châu Âu, lên tới chân núi đã mất gần 10 ngày đường. Nói thế để các bạn hình dung cái tầm cao, cái sự kỳ vỹ và cái độ khó ở Himalaya này. Các cung đường ở đây đẹp thất hồn, đẹp điên đảo và nó có ma lực đó các bạn, nó khiến bao nhiêu người đến đây bỏ mạng, biết bao nhiêu tiền bạc đổ vào, một khi đến rồi chỉ muốn đến hoài. Có những người đến hơn 30 lần, năm nào cũng đến leo, cung này đến cung khác. Có những người già ơi già nhưng cũng cầm gậy đến leo, không kể quốc tịch nào và mình cũng không nằm ngoài lực hấp dẫn đó.
2. Thông tin cơ bản về Annapurna Circuit
Annapurna Circuit nằm trong dãy Himalaya kỳ vĩ đó, nó được xem là nơi có khu bảo tồn tuyệt đẹp, các cung đường được xếp vào top thế giới, cảnh quan núi tuyết bao quanh, nhìn thấy nhiều đỉnh núi top thế giới, địa lý qua nhiều tầng thực vật đa dạng. Đỉnh đèo cao nhất của nơi này là đèo Thorong La, cao 5416m. Cung đường này khác với các cung đường khác là đi ngược chiều kim đồng hồ, làm một vòng quanh, điểm bắt đầu và điểm kết thúc khác nhau. Các cung leo núi khác thường leo lên như thế nào thì phải leo xuống y chang thế. Cung thuộc độ khó trung bình, người trẻ như mình đều leo được, chỉ cần nghỉ ngơi điều độ, hợp lý là không có điều gì xảy ra.
Theo Wiki
Con đường mòn đi dọc theo cánh đồng lúa và vào những khu rừng cận nhiệt đới, một số thác nước và vách đá khổng lồ và nhiều ngôi làng khác nhau. Annapurna Circuit thường được bình chọn là chuyến đi đường dài tốt nhất trên thế giới, vì nó kết hợp, ở dạng đầy đủ nhiều vùng khí hậu từ vùng nhiệt đới ở độ cao 600m tới 5416 m tại đèo Thorong La và sự đa dạng về văn hóa từ làng Hindu ở chân đồi thấp đến văn hóa Tây Tạng của Thung lũng Manang và Lower Mustang.
3. Các tài liệu mình đã đọc và xem để chuẩn bị
- Vlog của Ryan Purvis, 23 video về hành trình Annapurna Circuit, ai trekk cung khác thì kiếm vlog chuyên về cung đó, mỗi cung đặc điểm, địa lý khác nhau.
https://www.youtube.com/watch?v=Jpv-D6vX-Vk&list=PL7pV-oKCNQs42013SeLDK-BB41kmGXRTu - Cuốn sách chi tiết nhất về cung đường AC, thầm cảm ơn Andrées de Ruiter và Prem Rai đã cho ra cuốn sách tuyệt vời cho những người như mình: http://www.nepal-dia.de/Trekking_the_Annapurna_Circuit_with_the_new_NATT_trails_111017.pdf
- Bài blog chi tiết cô gái leo cung AC một mình vào mùa thấp điểm. Vì tình trạng mình giống cô gái ấy nên đây là bài blog tuyệt nhất trong số những bài blog mình đọc được: https://mytriphack.com/tilicho-annapurna-circuit-by-yourself/
- Và rất nhiều tài liệu về permit leo núi và sốc độ cao AMS https://www.lostwithpurpose.com/tims-card-kathmandu-nepal/
Kinh nghiệm không cần đọc nhiều, chỉ cần tìm đọc đúng tài liệu cần thiết. Với mình nhiêu đây là đủ. Và để tìm được đúng tài liệu cần thì phải tìm đọc không biết bao nhiêu nơi 🙂
4. Các vật dụng mua tại Việt Nam
– Vé máy bay: Ban đầu mình mua vé hãng Air Asia chỉ 390$/ khứ hồi trước ngày đi 3 tháng. Số mình xui xẻo, đường bay hủy bỏ, route suspension, mình mua vé lại trước khi đi 2 tháng, vé rẻ đã bán hết. Cuối cùng mình mua 550$/ khứ hồi hãng Malindo Air ở Traveloka. Lưu ý hãng Malindo chỉ cho bạn lên máy bay đi với điều kiện bạn phải có vé máy bay chiều về hoặc vé đi nước khác. Họ bảo mình vì visa on arrival nên thế, và quy định của hãng nên thế. Mình chả biết. Các bạn có thể đặt vé máy bay đến Kathmandu tại đây nhé Traveloka – đây là app đặt vé máy bay giá rẻ và dịch vụ ok nhất mà mình và những người đi du lịch bụi thường dùng.
– Bảo hiểm du lịch AIG tầm 650k, cover chi phí trực thăng cấp cứu 70%. Số mình lại xui xẻo đó chớ, nếu mua trước 1 tháng tiền bảo hiểm chỉ 570k, cover 100% chi phí trực thăng cấp cứu. Ok fine, mình chấp nhận mọi thứ điên rồ đến với mình. Mình chỉ quan tâm chi phí cover trực thăng, ngoài cái đó ra thì bảo hiểm trong nước hay nước ngoài cũng như nhau, đều chi trả các chi phí như chết người, tai nạn giao thông, delay, mất hành lý… bla bla. Nhớ đọc kỹ bảo hiểm đó có cover sự cố cho các trò chơi mạo hiểm không nha. Leo núi, lặn biển được liệt vào danh sách trò chơi mạo hiểm ý. Tụi sale bảo hiểm tư vấn như shit ý. Nhớ in ra một bản mang theo
– Ảnh thẻ passport: 5 tấm cho permit, visa
– Giày leo núi: vật dụng quan trọng nhất, mình mua của Jack Wolfskin, quan trọng waterproof+độ bám tốt (có thể đi trên tuyết)+bảo vệ mắt cá nhân, mua thừa một size chừa chỗ mang vớ dày nữa. Ship ngoài Hà Nội vào trước 1 tuần, mình phải mang chạy bộ 2-3 lần cho nó mềm ra, rồi xức kem vaseline, chà đạp, giày vò các kiểu cho nó mềm. Và đôi giày này không làm mình thất vọng. Nó đã bảo vệ mình tốt nhất trên mọi cung đường. Nặng 1kg.
Đôi giày trekking Nepal tuyệt vời
– Áo khoác ấm: áo The North Face 2 lớp (lớp chống gió và lớp nỉ). Nặng 1kg 🙁
– Balo Deuter 42 lít: Mình vác nó nên mình phải chắc chắn mọi thứ phải dưới 10kg, balo có trợ lưng, riêng cái balo đã nặng 1kg. Bọn Tây mình thấy nó vác 70-80 lít, móa ơi, tụi nó sao khỏe thế trời ơi.
– Vớ chân, mũ vải, áo tay dài, quần dài leo núi. Mình đều mua loại chuyên dụng leo núi vì nó nhẹ, chất liệu PES, chống gió tốt, nhanh khô. Mình mua ở Decathlon. Áo phông 2 cái chất liệu vải PES, nhẹ, nhanh khô mình mua ở chợ Nga.
– Áo mưa, đèn pin, gói thuốc sơ cứu, gói vật dụng cá nhân, khăn fiber, áo quần giữ nhiệt 2 bộ, đồ lót, miếng dán giữ nhiệt, bình giữ nhiệt, bình đựng nước 1 lít, mũ len, khăn đa năng loại che bụi, kem chống nắng, bật lửa, nước rửa tay, giấy khô, giấy ướt, kem vaseline là những thứ vô cùng cần thiết phải mua loại nhẹ nhất, loại nhỏ nhất.
– Thức ăn: mình không ăn đồ ngọt như snickers, cookies, sô cô la như bọn Tây nên mình chẳng mua. Tụi nó giữa đường toàn nạp snickers…. mình chỉ nạp nước suối là đủ. Thức ăn Nepal mình thấy ok.
– Thiết bị điện tử: điện thoại tải mapsme, tải luôn vùng Nepal (2 bản), máy đọc sách, máy chụp hình, pin dự phòng, dây sạc.
– Kính râm: mình đeo kính cận chống tia UV rồi, nên mình ko cần kính râm. Đừng để ánh sáng trên núi tiếp xúc với mắt nhiều vì có thể mù tạm thời, đó là nguyên nhân ai cũng có kính râm.
Kinh nghiệm xương máu người đi trước: không mua chất liệu cotton vì lâu khô, nặng, chiếm diện tích. Tổng balo phải mang dưới 8kg.
– Thể lực: mình nghe nói phải tập gym, leo cầu thang trước 1-2 tháng, mình chả làm gì cả, nhìn mấy bậc thang đã lười rồi chớ đừng nói bắt mình leo. Từ Israel trở về, mỗi tuần mình đều chạy bộ 1-2 lần nhẹ nhàng 2km để duy trì dáng và sức khỏe, đó giống như thói quen. Tuy nhiên mình rất hiểu cơ thể mình, mình lao động tay chân từ nhỏ, lớn lên mình vẫn thích lao động tay chân, rồi sau này được đào tạo thể chất ở Israel, đi bộ 15-20km/ ngày ở các thành phố lớn là chuyện thường. Xương cốt, cơ tay, cơ chân đã giãn hết, chẳng gì phải lo ngại. Với tụi Tây cũng vậy, chả cần tập luyện gì, tuy nhiên bản thân họ đều là huấn luyện viên yoga, dân fitness, dân đi du lịch đi bộ đường dài :)) Các bạn làm gì làm, làm sao cơ tay chân giãn hết là được, để khi leo nhiều không bị mỏi cơ hay đau nhức.
5. Các vật dụng mua ở Nepal
– Permit leo núi 2 loại: TIMS và giấy phép vào khu bảo tồn Annapurna
– Visa on arrival: 40$/30 ngày, 25$/15 ngày
– Túi ngủ: mình mua ở Koto, một ngôi làng ở độ cao 2600m, 3000 rup
– Gậy leo núi (1000rup/2 cây), khăn đa năng loại nỉ dày (300rup), bản đồ giấy (250rup), găng tay chống nước (600rup)
– Thuốc clorin tiệt trùng nước 250rup/ 50 viên, thuốc chống sốc độ cao thành phần Acetazolamide / Diamox 100rup/ 10viên. Mua ở tiệm thuốc tây nha, đề phòng hàng fake.
6. Lịch trình dự kiến trước khi đi Nepal
Đây là lịch trình mà mình copy trên mạng, sau đó chế tác thành lịch trình phù hợp với sức khỏe của mình dựa trên độ cao và chiều dài quãng đường.
Day 1-19: Kathmandu (mua dụng cụ leo núi)
Day 2-20: Kathmandu to Besisahar (bus 9 hours)
Day 3-21: Besisahar to Ghermu 27,6km (700-1100m)
Day 4-22: Ghermu to Tal 15km (1100m -1700m)
Day 5-23: Tal to Bagarchhap 12km (1700-2110m)
Day 6-24: Bagarchhap to Chame 13,5km (2100m-2750m)
Day 7-25: Chame to Upper Pisang 13km (2700m- 3300m)
Day 8-26: Upper Pisang to Manang 27km (3300-3600)
Day 9-27: Acclimatization day, rest day Manang and go around
Day 10-28: To Tilicho Base Camp (4150)
Day 11-29: Tilicho Base Camp to Tilicho Lake, down Shree Kharka (4200)
Day 12-30: Shree Kharka to Ledar (4200m)
Day 13-31: Ledar to High Camp (4200-4925)
Day 14-1: High Camp to Thorung La Pass (5416m), down Muktinath
Day 15-2: Muktinath to Jomsom
Day 16-3: Jomsom to Pokhara (>12 hours), Pokhara (10pm) to Lumbini
Day 17-4: Lumbini
Day 18-5: Lumbini (6am-7am -10pm)to Kathmandu
Day 19-6: Kathmandu – Malaysia
Day 20-7: Malaysia to VN
Sau khi tìm hiểu đủ thông tin, trang bị đầy đủ thì mình rất tự tin. Mình sẽ đi bộ dài ngày trên cái núi ấy một mình mà không cần thuê porter, guide gì cả. Tiền mình tiết kiệm sẽ mua đồ ăn, ăn cho phủ phê, mình sẽ ủng hộ các sản phẩm của người dân nước họ theo hình thức khác.
Update: Đây tất cả là dự kiến, mọi thứ không như tưởng tượng, mọi thứ thay đổi đến chóng mặt các bạn ạ. Mình đi tự do nên mình là đứa hoàn toàn có thể thay đổi mọi thứ theo ý của mình 🙂 Và hành trình của mình sẽ cập nhật đầy đủ tại truyện dài kỳ: TÔI CHƯA BAO GIỜ CÔ ĐƠN Ở DÃY HIMALAYA
Đọc thêm: Kinh nghiệm xin visa, giấy phép leo núi, đổi tiền ở Kathmandu