Nội dung bài viết
Tàu là phương tiện cơ bản được nhiều người sử dụng nhất ở đất nước 1.3 tỷ dân. Hệ thống tàu cao tốc và tàu hỏa phủ sóng tới từng thành phố trên khắp vùng lãnh thổ Trung Quốc. Điều này góp phần hình thành nên văn hóa đi tàu tại Trung Quốc mà mình thấy rất hay ho. Bất cứ thực phẩm thường ngày nào đều được chế biến, đóng gói từng túi nhỏ nhỏ từ mì, chè đậu, quả trứng, cái đùi gà, nấm, măng, đậu hủ… vô vàng các sản phẩm trên trời dưới đất… thậm chí là 1 cái chân gà 🙂
Hồi mình mới qua đi siêu thị cứ thắc mắc mãi họ làm cái gì với mấy cái bé tí tẹo này vậy? sau đi tàu du lịch thì mới hiểu ra vấn đề. Sau đây là phần chia sẻ kinh nghiệm ăn nằm trên những chuyến tàu đêm đi Tân Cương của mình.
1. Thông tin cơ bản về các loại tàu Trung Quốc
- Tàu cao tốc gồm tàu C (200 km/h), tàu D (250 km/h), tàu G (350 km/h). Vé có các hạng first class, second class, business class, VIP, soft sleeper, deluxe soft sleeper. Tàu này có đặc điểm chạy rất nhanh, mệnh danh là máy bay mặt đất, êm hơn, thích hơn đi máy bay nữa. Thường chạy các tuyến trong ngày, không chạy tuyến xuyên đêm, giá vé cao. Đối với loại tàu cao tốc, vé hạng first class, second class luôn được ưu tiên mua trước. Nổi tiếng có chuyến tàu nhanh nhất thế giới tuyến Thượng Hải – Bắc Kinh tàu G, tốc độ 350km/h mất 4,5 tiếng, dài 1300km, 553 tệ (1,9 triệu). So với 16 nước trên thế giới có tàu cao tốc phát triển, giá vé tàu tại Trung Quốc là quá rẻ. Tưởng tượng từ Sài Gòn ra Quảng Bình đi với 4,5 tiếng, toát cả mồ hôi. Mỗi lần đi ngang qua mấy đầu tàu cao tốc mà vừa thích vừa ganh tị rồi mơ ước.
- Tàu hỏa thường gồm tàu Z (160km/h), tàu T (140km/h), tàu K (120km/h), tàu Y, L, S (100km/h): gồm các loại vé hard sleeper, soft sleeper, deluxe soft sleeper, hard seat, soft seat. Đây là các loại tàu đi đường dài, đi xuyên đêm, như tuyến mình đi từ Nam Ninh tới Tân Cương mất 56 tiếng. Loại tàu này các loại vé hạng hard sleeper, soft sleeper (vé nằm) được mua rất nhanh, luôn hết sớm, khó mua. Nếu bạn search vé trên travelchinaguide, giá của hai hạng này luôn đắt hơn 30-50 tệ/ vé so với chính hãng. Sạc pin chỉ có ở hạng vé soft sleeper (có cửa đóng lại chống ồn). Hard sleeper có gối, chăn ngủ, giường tầng thấp có giá cao hơn giường tầng 2,3. Vé hard seat (vé ngồi) có rất nhiều người đứng la liệt mọi nơi, mùi thuốc lá, mùi phòng vệ sinh, tiếng con nít la hét. Tất nhiên đây là giá vé rẻ nhất trong tất cả các loại.
- Đây là những hình ảnh các toa trên tàu hỏa thường
2. Hướng dẫn cách lấy vé và lên tàu Trung Quốc
Mình đã đặt vé trực tuyến qua app, nên chỉ cần đưa passport và đưa màn hình điện thoại có mã vé (ví dụ mã E3192120) là họ sẽ xuất vé cho mình (không cần mở miệng nói câu nào hết). Vé có màu xanh hoặc hồng. Lưu ý nếu mất vé thì có thể đến bất kỳ quầy nào để lấy lại vé phí 3-4 tệ/ vé. Các bạn có thể thay đổi, hủy, hoàn vé trước 30 phút tàu chạy, mất phí 20% giá vé. Nếu trễ tàu tầm 15-30 phút, các bạn có thể đến quầy xem họ có trả lại tiền hay giúp mình đổi chuyến tàu khác không? (Tùy từng chính sách mỗi nơi, hên xui). Tất nhiên mọi thứ đều bằng tiếng trung hoặc dùng công cụ dịch. Những trạm tàu lớn có quầy tiếng anh :))) Nam Ninh có
Các bạn có thể nhờ mình đặt hộ vé, mình mua với giá gốc, phí rẻ.
Các bạn sau khi đến ga tàu cần kiểm tra đã đến đúng ga tàu trên vé đặt chưa: ga phía bắc hay đông, tây, nam? Đến đúng rồi thì vào scan hành lý và cơ thể :)). Nhiều nơi bộ phận scan hành lý kiêm luôn kiểm tra vé. Người nước ngoài và người không có thẻ công dân không thể đi ra vào các cửa tự động được. Lúc này nhìn phải hoặc trái sẽ có người kiểm soát riêng. Ở Trung Quốc dân đông lắm, cái gì cũng có máy móc tự động.
Sau khi vào các ga tàu việc đầu tiên là vào xếp hàng lấy vé. Chỗ nào có người xếp là mình bay vào. Nếu lịch trình các bạn đã lên sẵn và chính xác thì có thể lấy vé trước các chuyến khởi hành ga tàu khác, mua một lần, đỡ mất công xếp hàng nhiều lần. Có vé rồi chỉ cần đến trước 20 phút là okay.
Lấy vé rồi thì mình bắt đầu xem chuyến tàu mình khởi hành ở cửa nào, trên bản điện tử có. Ga to thì có nhiều cửa như Lan Châu, Nam Ninh, ga nhỏ chỉ có một cửa. Có một sự thật là ga tàu ở Urumqi to hơn cái sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Trên đường đến Tân Cương cứ nghĩ chắc nơi này toàn cát bụi, nghèo khổ các kiểu. Ôi không, đến nơi nó còn hơn Sài Gòn.
Cách đọc thông tin trên vé thì rất đơn giản. Các bạn chỉ cần nắm cái cơ bản, chuyến tàu từ Kuche đi Tulufan, tàu mã K9784, lúc 22:37, toa số 2, ghế 027. Ở TQ thời gian theo thứ tự năm – tháng – ngày (Nhìn hình vé bên dưới). Mọi người thường xếp hàng trước khi lên tàu 15 phút. Xem thêm cách đọc vé tàu xem tại đây
Khi các bạn ra tới ngoài này thì chắc chắn bạn sẽ được lên tàu. Tùy trạm mà tàu dừng 5-15-30 phút. Tàu dài khoảng 300 mét, đi ngược hướng là đi bộ mệt mỏi luôn, cần đến đúng toa nhân viên mới cho lên tàu. Có một lần mình đi nhầm toa vì có một toa rất đặc biệt 加3 có nghĩa là toa thêm. Toa thêm này nó không nằm gần toa 1, mà nó nằm gần toa 15. Lần đầu tiên ai mà biết mấy mẹ toa thêm, toa bớt. Tàu thì sắp chạy mà còn cách cả 10 toa nữa nên nhân viên cho lên đại. Vào trong lối đi rất nhỏ, đi xuyên 10 ga tàu, đụng phải tùm lum người. Chưa kể giữa các toa hạng sang, hạng thường, nhân viên khóa cửa, không đi được. Phải đợi tàu chạy, nhân viên mới tới mở giúp.
3. Gửi hành lý ở ga tàu lớn
Một số ga tàu lớn, thời gian đợi các chuyến tàu tiếp theo rất dài hơn 10 tiếng. Mọi người có thể gửi hành lý tại ga rồi đi chơi, không biết có mất tiền không? Nếu có chắc cũng rẻ thôi, mắc dân nó chửi chết. Ví dụ mình đang ở Đôn Hoàng muốn đi Tứ Xuyên, Bắc Kinh sẽ không có tàu đi thẳng mà phải quá cảnh tại thành phố khác. Phổ biến là Lan Châu, Xian. Gửi hành lý xong đi bus vào thành phố làm tô mì Lan Châu nổi tiếng, xong qua về tàu đi tiếp, quá tiện lợi. Xưa con đường tơ lụa thì trung chuyển hàng hóa, ngày nay trung chuyển con người đi chơi, làm việc. Hôm mình ghé Lan Châu thấy nè.
4. Lưu ý khi đi tàu tại Trung Quốc
- Đối với những ga tàu trung chuyển lớn tại các thành phố lớn như ga Nam Ninh, Lan Châu, Xian,… cần đến trước ít nhất 1,5 tiếng để xếp hàng lấy vé. Tại các điểm du lịch nổi tiếng, thành phố có quầy đổi vé phí dịch vụ là 4-5 tệ.
- Tàu chạy rất đúng giờ, tới trễ 5 phút là toi luôn, tàu đi mất và không đợi ai. Thỉnh thoảng mưa lớn, tàu sẽ dừng không chạy nên có thể delay 10 phút – 1 tiếng. Có những trạm vào ban đêm, không có khách tàu chạy rất nhanh tới sớm 30 phút :))
- Trên tàu có thông báo tiếng Trung và tiếng anh trạm kế tiếp là trạm nào. Đa số có nhân viên đi đánh thức mọi người khi dừng mỗi trạm, có tàu nhân viên lười biếng không gọi. Có hôm tàu tới trạm mà mình mới ngủ dậy, còn hấp tấp thu hành lý, chạy tụt quần. Nên mọi người phải thường xuyên xem bản đồ, và phải biết mấy giờ mình xuống trạm. Mình check trên app đặt tàu nên biết, có nguyên hành trình dừng ở đâu, dừng mấy phút luôn. Đi tàu không như đi xe buýt đâu, lố trạm là tiêu ngay. Xuống tàu còn bị soát vé, đề phòng mấy đứa trốn vé nữa.
- Nhớ mang gối dựa kiểu đi máy bay và khăn quàng cổ che mặt, đèn trên tàu rất sáng, khó ngủ. Chưa kể mặt đối mặt với tùm lum người.
- Bên ngoài nhà ga có bán mì ly giá 4-6 tệ, mì Trung Quốc rất rất ngon. Nếu lên tàu mua giá gấp đôi. Trên tàu có bán cơm phần 20-30 tệ/ phần tùy chuyến, trái cây, bánh kẹo…
- Bên trong phòng chờ và trên tàu luôn luôn có nước nóng để pha mì, sữa, trà. Không có nước lạnh, người TQ đi đâu cũng mang bình giữ nhiệt đựng nước nóng, không uống nước thường.
- Khi tàu dừng mỗi trạm, nhân viên mỗi toa sẽ khóa toilet. Nhiều khi mình không biết tưởng toilet có người, đợi hoài không thấy ra. Sau này khôn rồi, đi kiếm nhân viên mở cửa.
- Hành lý không mang theo bình dạng spray, dao, kéo, vật nhọn.
- Mỗi thành phố đều có rất nhiều trạm tàu khác nhau, đông, tây, nam, bắc,… Ví dụ thành phố Nam Ninh có 2 ga tàu lớn là: Nanning Raiway Station (ga tàu hoả thường) và Nanning East Railway Station (các chuyến tàu cao tốc 200km/h). Lan Châu có 5 cái, Các bạn cần phân biệt để tránh đến nhầm trạm và mua nhầm vé.
5. Văn hóa đi tàu ở Trung Quốc
Người Trung Quốc thích đi tàu hơn đi máy bay. Tàu vừa dễ đi, vừa tiện, vừa rẻ, xách được đồ nhiều. Mặc dù hệ thống tàu hỏa và tàu cao tốc chằng chịt nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân đại lục. Điển hình chuyến tàu nào cũng thiếu chỗ ngồi. Người người đứng tràn lan trên các toa tàu ngồi. Tuy đông và nhiều thành phần nhưng không hề xảy ra các vụ dê sồm, sàm sỡ. Còn trộm cắp mình chưa gặp nhưng khi nào đồ quan trọng cũng đeo túi bao tử trứơc ngực. Ngủ hay đi vệ sinh cũng mang theo. Những toa tàu đêm vắng người ở Tân Cương nhân viên đi nhắc nhở từng người giữ kỹ điện thoại, thiết bị.
Do hành trình mình khá dài nên ngồi chung và gặp rất nhiều người mỗi vùng khác nhau. Mình có cái nhìn riêng
- Ngồi với người Hán, họ rất lịch sự giữ khoảng cách, không chạm vào mình. Có hôm mình ngồi giữa 2 anh trai, ôi trời mấy ông để chỗ cho mình một khoảng rộng đến buồn cười. Một ông ngồi ép sát cửa sổ, một ông ngồi ra cả lối đi.
- Ngược lại các phụ nữ Tân Cương, những phụ nữ này không biết tiếng Trung, và hình như họ nghĩ mình là người Hán hay sao ấy. Với thân hình của người Trung Á to gấp đôi phụ nữ Hán, khi nào cũng ngồi lên cả chỗ ngồi của mình. Đôi lần con cái họ nhắc nhở mẹ mình ngồi đúng vị trí, nhưng họ vẫn vậy, không thay đổi gì. Nên mình chỉ ngồi 1/2 cái ghế và chịu trận, thầm nghĩ mình chỉ chịu một vài lần này thôi.
- Người già, trẻ con họ hay nói lớn tiếng. Hôm nào tâm trạng mình vui, mình cùng nói chuyện với họ, thấy sao mà họ quá dễ thương. Có hôm mình không khỏe, tâm trạng khó chịu thì nhắc nhở mấy bà mẹ quản lý con mình giữ im lặng. Nhiều khi nhắc nhở xong thì cả mẹ lẫn con vẫn vui đùa, cả toa đều than phiền. Những tình trạng này ở toa giường mềm sẽ không có :)) giường cứng ít.
- Giọng địa phương tùm lum, nghe rất là vui luôn. Người Hồ Bắc gọi số 2 không phải là er, mà gọi bằng gì ấy, quên rồi. Người Liễu Châu, Quảng Tây nghe xưng ngọ, nị, mình hỏi họ các cụ nói tiếng Quảng Đông hả? Các cụ không chịu bảo là giọng địa phương của Liễu Châu, khăng khăng Liễu Châu đến buồn cười.
- Người Việt đi du lịch Trung Quốc nghe giọng nghĩ mình là người Quảng Đông. Sau khi biết là người nước ngoài lại nghĩ mình là người Thái Lan. Khi gặp người Quảng Đông vs Đài Loan, thì họ lại bảo giọng mày y chang người Hồng Kông (vãi thật). Khi nói mình học tiếng Trung ở Quảng Tây thì họ lại hỏi ở đó họ dạy mày tiếng địa phương hả? Trời các bác, dạy tiếng địa phương sao nói chuyện được với mọi người. Người Trung Quốc đất rộng, người đông, ở trong nước họ còn không biết tỉnh khác như thế nào. Nên nói tới Việt Nam, họ cũng chả biết gì ngoài ”’Người VN nói tiếng Quảng Đông hở? Ủa người Thái vs người Việt không nói chung ngôn ngữ hở? Tao nghĩ người Việt đen, nên tao đoán mày là người Hàn hoặc Nhật :v :v
Mọi thắc mắc về thông tin du lịch học tập ở các nước, các bạn có thể email về cho mình ltmtrinh93@gmail.com. Ngoài ra, các bài trên đều là chất xám, trải nghiệm của mình viết nên, các bạn có thể chia sẻ link, không sao chép dưới mọi hình thức. Cảm ơn các bạn!