Nội dung bài viết
Còn vài ngày nữa là đến tết Tây, ngày đón năm mới trên mọi đất nước, tuy nhiên ở Israel đây là ngày bình thường như mọi ngày, bởi vì năm mới của họ đã bắt đầu từ tháng 9, Rosh Hashanah. Mình còn nhớ năm mới họ kéo dài 3 ngày, bọn mình còn mua mật ong tặng boss và quản lý và chúc họ năm mới đầy ngọt ngào. Sau này, trong ngày lễ Lều Tạm, gọi là Sukkot, như đáp lại sự dễ thương của bọn mình, quản lý đã mời 4 đứa con gái đến nhà uống trà và ăn bánh honey do vợ ổng làm. Loại bánh này mình nhớ rất ngon, mềm, ngọt lịm, có socola và một ít mùi quế nữa.
Kinh nghiệm làm visa Israel tự túc
1. Đón năm mới ở Jerusalem
Mình ở nhà thì ngứa chân vì tết tây boss cho nghỉ mà, đâu thể ngồi không không lãng phí được. Òi, phải đi chơi thôi, thôi thì đi Jerusalem, lên coi có gì hay ho không. Rồi chiều 31/12, mình hối hả xin làm về sớm để bắt bus đi chơi, mọi người đều ở nhà, riêng mình muốn thử cái gì đó mới mẻ nên đi một mình luôn. Ngồi xe hết 4 tiếng, vừa mới moi cái điện thoại iphone 4 cũ xì coi map thì nó tắt nguồn, mãi mãi không bao giờ lên lại được nữa. Mình cũng hiểu sớm muộn gì nó cũng tiêu, vì nó chết nguồn hoài, nhưng ai ngờ dè vào lúc này, niềm hi vọng duy nhất ở cái thành phố đông dân nhất Israel….Trước khi đi mình cũng biết không thể trông chờ vào điện thoại, trước sau gì nó cũng hết pin hay gì đó, mình đã tìm hiểu thông tin, ghi lại giấy thông tin khách sạn, số điện thoại khi cần. Mình cuốc bộ đi tìm khu chợ cổ, mình thuê cái dorm ngay David Tower luôn, từ trạm bus thành phố về đó là 4km, dò hỏi thông tin đường Jaffa, Old market mà méo ai biết. Nghe bảo dân ở đây tiếng anh ai cũng lưu loát, sao mình hỏi mấy địa điểm nhà họ, mà họ không biết là sao. Bắt đầu thấy cái gì đó sai sai, hỏi từ già đến trẻ, từ bà mẹ đến ông chồng, có người còn kêu mình qua Old Jaffa bên Tel Aviv, cách đó mấy trăm cây số 🙂 thì chợt nhận ra phải gọi là Yafo (hebrew), Jaffa là tên tiếng anh, nào giờ mình cứ nghĩ 2 nơi là 2 vị trí khác nhau. Mò mẫm cũng hơn 7h tối mới check in phòng, vừa đi tìm đường, vừa ngắm cảnh, mua pizza với nước uống dọc đường. Pizza ở đây rẻ hơn chỗ mình ở, 1 miếng có 7sk nóng hổi, vừa đói vừa lạnh, ăn nó ngon.
Quên nói về thời tiết, tháng 12 là mùa đông, Jerusalem lúc này chỉ tầm 10-15 độ, khách du lịch từ châu Âu đến đây ít hơn, lèo tèo vài người, vì họ phải đoàn tụ với gia đình theo truyền thống. Mình đi đâu cũng dể thở hơn chút, không cần phải chen lấn, đợi chờ. Nam thanh nữ tú mặc đồ ấm ra đường, trời trai gái Israel đẹp thì khỏi phải bàn tới. Mình dạo hết con đường Yafo dài ơi dài, đèn vàng phủ khắp các bức tường trắng ở thành phố cổ kính này. Các quán bánh nướng, quán ăn theo kiểu Kosher bày bán ở mọi nơi, giá cũng không mắc như ở Tel Aviv và Eilat. Áo quần, khăn quàng, mũ len rất rẻ đâu 10-15sk/ cái, mà kiểu dáng đẹp nữa.
2. Lạc lối ở Yafo (Jaffa street)
Đi đến một quảng trường đông ơi là đông, có một cây piano đặt ở đó, bất cứ ai cũng có thể ngồi vào đó và tấu lên những bài họ chơi giỏi. Mình nghe cả hơn 10 bài nhưng chỉ có 1 bài mình biết đó là Hallelujah, một bài hát phổ biến ở đây. Họ còn rất trẻ mà ai cũng chơi đàn một cách say mê, đánh từ bài này qua bài khác dưới cái lạnh 15 độ, đánh xong bàn tay đỏ bừng bừng vì lạnh, một người nào đó mua một ly cà phê nóng và mang đến cho họ. Giáo dục của họ toàn diện cả về kiến thức lẫn nghệ thuật, thật đáng ngưỡng mộ, con người ở đây ai cũng có thể chơi đàn piano, từ những đứa bé 3-4 tuổi đến người già như ông quản lý 40, mặc cho chiến tranh, mặc cho sa mạc bão táp. Đi một đoạn nữa là nhóm nhảy của các bạn tầm 15 tuổi để biểu diễn kiếm tiền, hay một cô gái xinh đẹp ngồi kéo violon. Rồi thỉnh thoảng tiếng tàu điện chạy qua, hàng loạt những âm thanh trong ngày cuối năm rực rỡ ấy. Mình nghĩ mình đã có một buổi tối ngày cuối năm đầy mới mẻ và thú vị.
Trời càng ngày càng lạnh, mình kiếm đường đi về, mình mắc bệnh mù phương hướng, không biết nên về đâu, thế là kiếm người xung quanh hỏi. Thấy người đàn ông đầu đội mũ kippah kia đang đi cùng cô gái nào đó, mình hỏi đường về cổng Yafo, ngờ đâu ổng bỏ cô gái đó, lẽo đẽo đi theo mình 2km, kêu chỉ đường cho mình. Đi ngược về khu đàn piano, ổng mới lịch sự nói đại loại trời đã khuya, ổng phải về nhà xem TV, nhà ổng gần đây thôi, hỏi mình có muốn về cùng không? Hời, hiểu luôn, 11 giờ đêm, về nhà ổng ăn bánh, uống trà, nghe là có mùi kỳ kỳ. Thế là say NO, để lại cho ổng một mình lủi thủi đi về :)) Thật ra những trường hợp này mình gặp ở Israel vài lần, mình đi một mình nên vậy đó, đủ thứ chuyện xảy ra cũng may mắn là họ không đụng tay đụng chân, mặc dù cùng mục đích nhưng khá là lịch sự.
Về tới phòng cũng gần 12 giờ khuya, cả ngày nay đi bộ gần 10km, thế là đánh một giấc ngon lành tới sáng. Mình đi cái ngày mà chả ai đi du lịch, mặc dù mình chọn thuê một giường dorm trong căn phòng 8 giường, nhưng chỉ có một mình mình ngủ ở đó. Giá 60sk/ đêm, lại ngay trong khu chợ cổ an toàn, gần David Tower, đây là giá rẻ nhất khi book trên booking rồi, khách sạn ở Israel thì quá đắt đỏ, do mình đi đột xuất nếu không thì mình đã liên hệ Courch Surfing ngủ ké.
3. Tìm đường đến khu Núi Đền – Jerusalem
Sáng ra mới 7h sáng mình lọt tọt tìm đường qua thăm Mộ Chúa, ơn trời vắng hoe, chỉ có các cha sứ đang làm lễ bên trên, mình chạy khám phá xung quanh ngôi mộ, cảm nhận được sự yên ắng vô cùng linh thiêng đó, tiếng chuông ngân vang, bài ca giáo đường xướng lên. Vài phút sau thì người đông dần thì mình cùng rời đi. Đi khỏi ngôi mộ cũng 9h sáng, thế là tìm đường đi đến cổng Damacus đặng bắt xe buýt đi Palestine, mới chợt nhận ra chưa ăn gì. Sau một hồi tìm kiếm nhòm ngó thì mình ghé vào một nhà hàng trong khu chợ, sạch sẽ, đậm chất Trung Đông, mùi hương trầm thơm thơm, nhạc thờ cúng bật vừa đủ. Mình kêu một món gọi là shawarma, vâng đây là món ăn mà mình trung thành thứ 2, sau pizza 🙂 nhà hàng này bán 25sk, ở các khu du lịch khác có thể lên 30sk (nhân gà), ăn ngập mặt. Chỉ có một nơi cực rẻ mà ngon ơi là ngon đó là Palestine, ngay bên ngoài nhà thờ lớn Bethlehem, nhân thịt cừu mà chỉ 17sk, nhân gà 15sk, đậm đà hương vị mùi của Trung Đông.
Để giái thích tại sao mình lại nói thế, “mùi Trung Đông” vì mình không biết diễn tả nó ra sao. Thức ăn ở đây bỏ gia vị rất nhiều, bạn vào chợ nhìn vào quầy gia vị không khỏi xuýt xoa, cả trăm gia vị được bày bán, các món hầu như có vị khá giống nhau. Món shawarma nguyên liệu chính là các loại salad, sốt và thịt nướng tẩm ướt gia vị rất đậm đà, có thể là bò, gà, cừu, được quấn trong loại bánh tráng mỏng. Món này về VN được biết đến là bánh mì Thổ Nhỹ Kỳ, tuy nhiên phần thịt đã tẩm ướt theo kiểu VN, mất đi hương vị Trung Đông. Đợt mình đi Bùi Viện, có ghé ăn thử vì người bán là người Ả rập, ăn qua thì gia vị không đậm đà bằng như tại quê hương nó, tất nhiên nguyên liệu rau hoàn toàn khác
Liếc nhìn trên bức tường trong nhà hàng đó là một loạt series các bức hình về Dome of the Rock. Mình nói chuyện với ông chủ nhà hàng một cách đầy hối tiếc, “Cái ngôi đền xinh đẹp này tôi không thể vào sao, chỉ có người đạo Hồi mới được vào sao?. “Ôi cô gái, nơi này đang mở cửa cho khách du lịch rồi đó, đi đến đó đi, ra khỏi nhà hàng, rẽ trái”
– Ông nói sao, mở cửa? khi nào chứ? nhưng phụ nữ không được vào mà.
– Không sao, cô lấy mũ trùm đầu của cô lại là được.
4. Đến thăm Dome of the Rock – Tòa nhà mái vòm vàng
Ngay lập tức, mình quyết định không đi Bethlehem nữa, quay ngược trở lại Bức tường than khóc để tìm lối vào ngôi đền. Đi đến cây cầu gỗ nối giữa 2 không gian Do Thái giáo và Hồi giáo. Dome of the rock không cho người không phải đạo Hồi vào, nhưng thật ra là không cho mình tiếp cận bên trong ngôi đền, còn bên ngoài sảnh thì khách quốc tế và Do Thái vào được. Thời gian tham quan 1 ngày 2 lần: 7:00-10:30, 12:30-13:30 từ chủ nhật đến thứ năm, ngày nào chính trị bất ổn thì đóng luôn, nên để vào được đây chỉ có dùng từ may mắn. Bởi vậy nhìn cuốn sách của tác giả Nguyễn Phương Mai, rõ ràng là chụp ở bên ngoài ngôi đền, sao cô ấy vào được mà mình lại vào không được, dù là ngoài sảnh cũng đủ hạnh phúc, còn hơn khi nào cũng nhìn từ xa xa.
Các bạn mình toàn đứng ở khu chợ cổ nhòm qua chứ chẳng ai vào, vì thầy lịch sử bảo không vào được. Trước đó mình đã nói chuyện với quản lý mình về Dome of the Rock, ổng là người Do thái kêu “mày không vào được đâu”, mình thì khăng khăng, sao bạn tao vào được đó ( tác giả Nguyễn Phương Mai), “lúc trước lúc làm cảnh sát tao có vào rồi, xấu lắm, không có gì đâu mà xem” tao muốn xem xem xấu như thế nào. Vâng tối nào mình cũng mơ về nó, quả là không uổng công ngày nào cũng nhung nhớ ngôi đền, cuối cùng cũng đến được. Đến đâu 30 phút thì bị đuổi vì đến giờ cầu nguyện, mây đen vầng vũ kéo đến sắp mưa.
Và khi rời khỏi ngôi đền vẫn không thôi nhung nhớ, quay lại Bức tường than khóc khu vực dành cho nữ ngồi trú mưa đợi tới 1:30 vào lần nữa, trời bên ngoài thì lạnh, bên trong có lò sưởi, khu cầu nguyện toàn là phụ nữ vấn khăn che hết tóc (nghe bảo có chồng rồi mới che tóc), váy tất dài che hết đôi chân (người Do Thái chính thống, nhóm người này sống ở Jerusalem, thường được chính phủ tài trợ cuộc sống toàn diện, không cần đi làm, chỉ việc du lịch, học Kinh Thánh và đẻ con). Vì điều này mà những người Do Thái không theo đạo không ưa gì, thậm chí rất ghét nhóm người Do Thái sùng đạo. Tại sao thì sau này mình viết một bài riêng.
5. Vùng Muslim ở Old City – Đạo Hồi sinh sống
Đến đền thì đi đường cầu gỗ thuộc khu vực Do Thái, nhưng khi ra thì cổng khác thuộc vùng Muslim, khu này khác hoàn toàn khác, không bán thứ gì liên quan tới Jewish. Mình tiện tay lựa vài móc khóa có chữ Ả Rập vì ngôn ngữ này viết đẹp ơi đẹp, mình chọn một mảnh gỗ nhờ họ khắc tên kỷ niệm, một mặt là tên, mặt kia là hình ảnh của Dorm. Dù trước đó mình đã mua một đống móc khóa David bên địa phận Do thái :)) Cái lợi của mấy đứa không theo tôn giáo nào là thích cái gì thì làm cái đó, cũng không sợ bị nguyền rủa hay phản bội đấng thần linh nào cả. Thấy party của tôn giáo nào là tham gia hồ hởi như một tín đồ vậy ah. À lưu ý, dù là địa phận bên nào thì giá móc khóa cũng 5-7sk. cái, khăn quàng China 20sk/ cái thôi nha :)) người ta có hét 200sk thì cứ bình thản trả giá nha, không ai đánh bom đâu mà sợ.
Khu vực Temple Mount (Núi Đền) là khu vực linh thiêng của 3 tôn giáo, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Các tín đồ Do Thái cầu nguyện tại Western Wall (Bức Tường Phía Tây, Bức Tường Than Khóc), vì đây là đoạn bức tường xót lại từ Núi đền thiêng thứ 2 do vua Herod xây dựng TCN. Tín đồ Muslim thì cầu nguyện tại nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa (mái nhà màu xanh) và Dome of the Rock (mái nhà màu vàng), 2 vị trí này nằm gần nhau, tránh nhầm lẫn, khu vực được Đấng tiên tri Mohammed nhắc tới trong Hành trình đêm kỳ bí. Còn tín đồ Thiên Chúa thì cầu nguyện ở nhà thờ Mộ Thánh, nơi Chúa bị đóng đinh.
Lúc này mình ngồi tính toán từ chợ cổ đi bộ ra bến xe buýt trung tâm 4km, cũng 45 phút, nếu đi Dorm chắc không kịp chuyến xe 2h chiều. Trời vẫn mưa và lạnh, thế là mình đi bộ đi giữa trời mưa luôn, dù gì cũng đã 4 tháng ở sa mạc nên không thấy mưa rồi. Mà ở Jeru trời mưa vẫn cứ đẹp, mình hòa vào dòng người tấp nập, mặc mưa ướt, đến nơi cũng ướt cái áo lạnh bên ngoài, do ghé nhiều nơi vì thấy cái gì cũng lạ lẫm nên trễ chuyến 2h, đành phải đợi đến chuyến 5h chiều, ngồi đón xe mà còn lưu luyến.
9h tối mới xuống đến Ein Yahav, từ trạm buýt về nhà cũng 3km, mình nhớ là xuống xe với nhiều thiếu niên Israel, ở vùng quê sa mạc này rất ít xe qua lại, nếu đứng nhóm đông, sợ khó bắt xe vì không đủ chỗ ngồi, nên mình lội bộ về trước. Con đường này tối om, chả thấy gì, thỉnh thoảng thấy xe mình vẫn cứ vẫy, nhưng chả xe nào dừng và mình đi trong bóng tối như thế, mình thôi không vẫy nữa. Đột nhiên có ai đó vụt qua, nhưng họ chợt dừng lại và lùi xe cho mình lên. Mình cảm ơn rối rít nhưng người đàn ông ấy bảo không có gì, giúp đỡ người khác trong những trường hợp như vậy là điều ông nên làm.
Kết thúc chuyến đi 2 ngày đầy thú vị. Một ngày chạm vào biết bao nhiêu thứ từ thời cổ ơi là cổ, được chạm tay vào những viên đá cẩm thạch của mái vòm vàng, được tận mắt nhìn thấy kiến trúc của Hồi giáo, các chi tiết rất tỉ mỉ và hài hòa, tạo thành một bức tranh màu xanh tím bắt mắt. Con đường Yafo thì vừa cổ kính, vừa hiện đại, sầm uất bởi những cửa hàng bánh, những cửa hàng áo quần thời trang. Nhà thờ Mộ Thánh thì trang nghiêm, lặng lẽ. Điều tuyệt vời nhất ở Jerusalem là mình không tốn tiền đến thăm những di tích như thế này, nên mình cứ lượn lờ chỗ này qua chỗ khác mà không sợ tốn tiền, thích vào bao nhiêu lần thì vào, coi như bù đắp lại chi phí đắt đỏ của khách sạn và thức ăn.
Khám phá Jerusalem lần đầu tiên
Các bạn có thể đọc thêm thông tin và các chuyến du lịch Israel của mình tại đây. Các bài học thực tế từ Israel tại đây
Mọi thắc mắc về thông tin du lịch học tập ở các nước, các bạn có thể email về cho mình ltmtrinh93@gmail.com. Ngoài ra, các bài trên đều là chất xám, trải nghiệm của mình viết nên, các bạn có thể chia sẻ link, không sao chép dưới mọi hình thức. Cảm ơn các bạn!