DU LỊCH JERUSALEM LẦN 3 – DU LỊCH TỰ TÚC BETHLEHEM, PALESTINE

by leetrinh

Đã bao lần mình muốn du lịch Bethlehem nhưng cứ chần chừ mãi, mình không theo tôn giáo nào cả. Trước khi đến Israel, mình vô tình đọc về một cuốn sách viết về việc một người phụ nữ Palestine đánh bom tự sát, chồng cô ấy là bác sĩ ở Israel đã đi tìm nguyên nhân tại sao cô ấy lại muốn tự sát gây ra cái chết cho nhiều trẻ em Do Thái, trong khi cô có cuộc sống đầy hạnh phúc. Bethlehem làm mình tò mò mọi thứ, về phụ nữ Ả Rập, về những bức tường đá cao ngăn cách 2 đất nước, như bức tường Berlin vậy đó.

Cây hoa đào bên cổng Damascus nhìn mà yêu thương

Ăn trưa ở chợ cổ, Old city

Tết âm lịch, tết cổ truyền Việt Nam, mình quyết định đi Jerusalem lần nữa để tỏ rõ ngọn ngành, lần này mình đi cùng 3 đứa em trai và cô bạn cùng nhà. Mình đặt phòng dorm nhỏ ở gần cổng Damascus giá 60sk/ giường, gần bến xe Ả Rập để tiện đường sáng sớm đi Palestine. Phòng ẩm thấp, thấy nó dơ dơ, cùng phòng có thêm một người đàn ông Nam Phi là trao đổi nói chuyện, ông ấy còn tặng bọn mình lá cờ Nam Phi nữa. Còn những người còn lại chả ai nói ai câu nào, toàn ngủ. Chiều hôm đó bọn mình lại tìm đến Dome of the Rock nhưng đóng cửa, chả biết nguyên nhân gì, một ngày mở cửa 2 lần, nhưng hôm đó lại đóng. Thế là mình quay về nhà hàng lần trước đến, luôn tiện cảm ơn bác chỉ mình đến Dome, ăn món thịt cừu nơi đây. Ngạc nhiên nhất là họ mang 7 loại salad, dĩa thì salad ớt chuông 4 màu, dĩa bắp cải trắng giòn ngọt, dưa leo muối chua, sốt đỏ, sốt trắng…. ăn bữa no nê luôn. Gía thì mắc :)) nhưng ăn có một lần trong đời thôi mà, có gì đâu, bù lại du lịch chả tốn tiền vé. Tối lại chạy ra đường Yafo cổ kính, hiện đại đi dạo dưới cái lạnh 15 độ. Tấp vào cửa hàng ăn pizza ngoài trời dưới những cái cây trụi lá vào mùa đông, không quên ghé cửa hàng tiện lợi mua mỳ ly ăn sáng.

Như thường lệ, mình lại lượn lờ chợ cổ, mình cực kỳ thích dạo ở đây, dạo hoài mà vẫn lạc đường, không hề chán. Các cửa hành đều có những thứ vô cùng hay ho, đây là các loại trà hoa
Ăn một bữa ăn mang phong cách Trung Đông. Thịt cừu, 6-8 dĩa salad cơ bản trong falafel, bánh mì pitta, giá là 45-60sk

Nửa ngày ở Bethlehem, Palestine

Sáng ra 6h mình thức dậy ăn mỳ ly, xong lại vào khu Old City, các cửa hàng xung quanh vẫn chưa mở cửa, chỉ còn lại vài ánh đèn vàng thắp sáng lối đi không biết bao nhiêu năm tuổi. Mình ghé nhà thờ Mộ thánh đầu tiên chỉ để ngồi đó và nhìn ngắm ngôi mộ Chúa, cảm thấy lòng an yên, lần này khách du lịch đến đông hơn lần trước. Mình rời đi, trở về cổng Damascus lấy balo ra bến xe cách đó 20 mét, đứng ở các làn xe buýt, làn nào đi Bethlehem thì leo lên, lên xe thì check lại với bác tài lần nữa, giá 5.9sk/ người. Xe chạy đến ranh giới 2 nước, xe dừng lại là xong chuyến hành trình, tất cả mọi người xuống xe qua trạm kiểm soát, mà cũng không ai kiểm, mình theo chân nhóm cô gái Ả Rập đi vào lãnh thổ Palestine. Các taxi ở đây bắt đầu chào mời, nhưng mình cũng thừa biết các trò vòi tiền của họ, để tránh rắc rối, mình đi thẳng một mạch 3km đến nhà thờ Chúa Giáng Sinh. Men theo lối bức tường đá đầy bức tranh graffiti biếm họa đa màu sắc, hàng ngàn nỗi đau, thù hằn được vẽ đầy lên, những bức tranh biếm họa Putin, Trump, người lính, trẻ em… như tố cáo tội ác của Israel. Ai cũng có vấn đề riêng, huống hồ là cả một đất nước, ai đúng ai sai chẳng ai có thể giải thích, dù là bao năm nữa thì mối thù hận này vẫn luôn dai dẳng.

Du lịch Bethlehem, Palestine

Tâm tư người Do Thái về Palestine

Nếu bạn nói với người Do Thái rằng bạn sẽ đi Bethlehem, ngay lập tức họ sẽ ngăn cản. Như mình bàn với quản lý về việc một ngày nào đó sẽ đi Palestine, bình thường ổng sẽ ủng hộ mình đi chu du, nhưng riêng Beth thì ổng lại chau mày kêu mày đòi đến đó để làm gì, khi không thuyết phục được mình, ổng bảo chúc mày bình an trở về. Rồi mình rủ cô bạn cùng phòng mình đi chung, quản lý mình mới đùa với cô bạn “sao mày có thể tin lời mà đi theo nhỏ Trinh”. Mình chả sợ gì, chỉ sợ thiếu hiểu biết, càng nói không, mình càng đi cho bằng được. Ổng nói “Nếu m cứ đi Bethlehem như vậy, nếu có chuyện gì xảy ra t ko chịu trách nhiệm”, mình phì cười, vốn dĩ việc t ở Israel này, việc mình đi du lịch tại sao ổng lại chịu trách nhiệm? “Okay, việc chả liên quan tới m”

Sau này, mình xin phép đi chơi, không hề nói đi đâu, ok cái rụp, ok rồi thì ít ngày sau mới chạy qua hỏi mình “m tính đi đâu thế, nói nghe”, mình bĩu môi “t không nói cho m nghe” ổng nài nỉ ” nói đi, đi đâu, để lỡ m không về, t còn biết đường đi kiếm”, “t mà nói là t sắp vào nơi nguy hiểm là m lại càm ràm“, thế là ổng quay lưng bỏ đi, vuốt râu cười lớn “Bethlehem” Nói thế chứ cũng không nguy hiểm đến mức đó, mình đáp xe buýt qua tới Beth thì thở phào nhẹ nhõm vì cảm thấy an toàn. Với mình Beth an toàn hơn Jeru, đơn giản nếu có đánh bom, chắc chắn phải đánh ở Jeru, Beth là vùng đất Ả Rập, ai lại đi đánh dân của mình. Mặc dù cách đây 1 tháng Tổng thống Mỹ vừa mới tuyên bố Jeru là của Israel, biên giới xảy ra việc bạo loạn, ném đá các kiểu nhưng cũng đã nguôi. Mình hơn sống hơn 25 năm mới đi du lịch Palestine một lần, không lẽ mình xui bị dính chưởng mấy vấn đề này. Chưa kể nước Palestine sống nhờ vào nguồn thu du lịch, nếu có dân du lịch chết bởi súng đạn, ai mà dám đến đó nữa.

Nhà thờ Chúa Giáng Sinh

“Mày tính đi đâu thế, nói nghe”, mình bĩu môi “t không nói cho m nghe” ổng nài nỉ, hích vai mình “nói đi, đi đâu, để lỡ mày không về, tao còn biết đường đi kiếm”, “tao mà nói là tao sắp vào nơi nguy hiểm là mày lại càm ràm”, thế là ổng quay lưng bỏ đi, vuốt râu cười lớn “Bethlehem”

Nơi cầu nguyện ở Hang Sữa

Ôì, thế là mình may mắn, dạo quanh nửa ngày, đi nhà thờ Chúa Giáng Sinh, đi Hang Sữa, đi mệt thì tấp vào quán shawarma ăn thịt cừu, thức ăn ở đây rẻ hơn Israel nhiều lần. Dạo đã đời thì bắt xe buýt 5,9sk đi về, ngồi tám chuyện với cô gái đạo Muslim, gốc là Palestine nhưng là sinh viên ở trường bên Jeru. Mình mới hỏi cổ nhiều vấn đề về nữ giới, về hôn nhân giữa người đạo Muslim và đạo Do Thái. Kết quả thật đáng, đạo Muslim và Do Thái cho phép cưới nhiều vợ một lần, tuy nhiên, bây giờ hiện đại, một người đàn ông chỉ lấy một người vợ thôi. Về trang phục, nghe bảo quấn kín mít, tuy nhiên, giờ khác rồi, cô bạn kế bên trong bức hình, không thèm quấn mấy cái khăn đó nữa, mặc đồ bình thường luôn, cha mẹ không cấm cản gì về việc tuân theo tôn giáo hay không. Nhìn nhận mà thấy, người Muslim ở Jeru và Beth khá thoải mái, không bị nghiêm cấm như các nước khác, có thể lái xe hơi, cô ấy có thể học ở Palestine hay Jeru đều được, việc qua lại mỗi ngày chẳng sao cả.

Cô gái Muslim đi lại mỗi ngày giữa 2 thành phố Jerusalem (Jeru) và Bethlehem (Beth)

Thế rồi mình hỏi “Nếu người Do thái và người đạo Muslim kết hôn thì sao” => thì ok luôn chớ sao :)) tuy nhiên đàn ông Do Thái lấy phụ nữ đạo Muslim phải theo đạo Muslim. Đàn ông Muslim lấy phụ nữ Do Thái hơi rắc rối vì đạo Do Thái theo đạo mẹ, đạo vợ, lấy kiểu gì mà theo đạo Muslim là được. Nghe cô gái ấy nói thì khá dễ dàng, nhưng thật khó để chấp nhận tôn giáo người khác, huống chi 2 tôn giáo thù hằn nhau. Mình lại hỏi “Cô có biết gì về phụ nữ Muslim các nước Trung Đông khác không?” Cô bảo cô không biết, cô chỉ biết ở đây thôi”Qua thu thập được nhiều thứ đáng kể, vì nào giờ báo chí nói phụ nữ đạo Muslim khổ lắm, không được đi học, phải lệ thuộc vào đàn ông trong gia đình, nói thế là chưa đúng nha, tùy vào quốc gia, tùy vào điều kiện tiếp xúc nữa. Như các cô gái này đây, thấy cười nói đĩnh đạc, vui vẻ, tiếng anh giỏi quá giỏi. Các bạn qua đây nhớ đem theo passport để cảnh sát kiểm tra lúc về lại Israel, nhưng họ dễ thương lắm, chả có gì đâu. Xe buýt thì hỏi đường người xung quanh người ta chỉ, không thì theo google map ra đường chính, dường như xe nào cũng đi Jerusalem.

Nhìn lại, mình cũng đi gần hết các điểm đến quan trọng của Thiên chúa giáo, trừ Nazareth, vì mình thấy quá mệt mỏi khi đến thành phố nào ở Israel cũng là thành cổ, thành cổ, thành cổ :)) Ít bữa mình viết về miền Bắc, về hang động, về cáp treo ngắn nhất thế giới, về thác, về cánh đồng nho, vườn oliu trăm tuổi…

Vài lời về việc xin visa du lịch đến Israel và muốn qua Palestine.

Các anh chị phỏng vấn làm visa Israel tuyệt đối đừng nhắc đến Palestine, người Do Thái họ sẽ không vui vẻ gì khi bạn đến Palestine cả. Nếu các bạn có đọc cuốn sách Huyền Chip, phần về Israel, người Do Thái sẽ nhăn mặt, ko hài lòng về việc đến đó đâu.

Palestine là vùng lãnh thổ tự trị, không được Liên Hợp Quốc và thế giới công nhận là một quốc gia, nên việc ra vào khá dễ dàng. Việc đến Palestine dễ như ăn cháo, visa Israel mình là visa 1 chiều, mình qua về thoải mái, mấy đứa bạn sinh viên Kenya cùng trường hay thuê xe qua đó cầu nguyện vào cuối tuần lắm. Chẳng việc gì phải sợ, cứ xách túi, ngẩng cao đầu mà đi. Thịt cừu bên đó rẻ mà lại ngon nữa, ngon hơn Jeru rất nhiều lần.

Taxi ở Palestine thì lừa đảo nhiều, và trắng trợn. Ví dụ từ biên giới đến nhà thờ lớn 3km, họ nói bạn 50 nis, đến nơi thì bảo là 50$, bảo mình nghe nhầm. Đưa tiền rồi thì họ xin lỗi, vì gia đình tao nghèo quá nên phải làm vậy…. nên bạn nào cứng thì deal, trả tiền, làm dấu các kiểu, bạn nào yếu bóng vía thì đi bộ đi, mắc công deal ko lại, rồi mất tiền oan.

Các bạn có thể đọc thêm thông tin và các chuyến du lịch Israel của mình tại đây. Các bài học thực tế từ Israel tại đây

Mọi thắc mắc về thông tin du lịch học tập ở các nước, các bạn có thể email về cho mình ltmtrinh93@gmail.com. Ngoài ra, các bài trên đều là chất xám, trải nghiệm của mình viết nên, các bạn có thể chia sẻ link, không sao chép dưới mọi hình thức. Cảm ơn các bạn!

Xem thêm Du lịch Jerusalem lần 1: Ghé Yad Vashem

Kinh nghiệm làm visa Israel tự túc

CÓ THỂ BẠN CŨNG THÍCH