NẾU ĐẾN DEAD SEA XIN ĐỪNG QUÊN PHÁO ĐÀI CỔ MASADA

by leetrinh

Dead Sea, vùng biển đặc biệt không một sinh vật nào có thể sinh sống, không khí xung quanh trong khu vực đó không hề bị ô nhiễm, cũng không hề có tia cực tím UV, mặc cho trời vẫn nắng. Nếu tìm hiểu sâu hơn, bên cạnh sự kỳ lạ của Dead Sea, nhìn lên các dãy núi ấy sẽ có một pháo đài cổ được vua Herod xây dựng 30 TCN, và bị phá hủy bởi đế chế La Mã năm 73. Pháo đài cổ Masada (đọc là Met-sa-da) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2001, là địa điểm khảo cổ lớn nhất Israel và thế giới. Ngoài những thông tin có giá trị lịch sử thì nơi đây có tầm nhìn vô cùng đẹp, một bên là Dead Sea xanh ngắt, một bên là dãy núi Jude vàng cam, ảo ảo mờ mờ giữa bầu trời sa mạc. Tại đây, mình cảm nhận được sự hùng vĩ của thiên nhiên là vô tận.

Kinh nghiệm làm visa Israel tự túc

Du lịch Dead Sea, Masada

1. Thời tiết đẹp nhất đến pháo đài Masada

Mình đến Masada vào tháng 5, nhiệt độ lúc này ở Dead Sea tầm 31 độ, nhưng trên Masada nhiệt độ cao hơn 5 độ, giữa trưa thì nắng nóng vô cùng. Mình vừa đi tham quan một lúc lại ghé vào mấy cái túp lều nghỉ chân ngồi nghe ké hướng dẫn viên du lịch nhóm khác, cái nắng ở sa mạc, nếu ai từng trải sẽ hiểu. Mình khuyên các bạn đến đây vào tháng 11,12 tháng mùa đông mát mẻ. Các tháng mùa hè thì các bạn đến thật sớm, chớ từ 10h sáng đến 3h chiều, nóng bỏng luôn ý. Riêng tháng 3,4 trời mưa, đất lở, không thể leo cung snake path.

2. Cách đi xe buýt đến Masada từ Tel Aviv, Jerusalem, Eilat (Red Sea)

Masada nằm cao hơn Dead Sea 400 mét, Dead Sea lại thấp nhất thể giới -431m nên thấy nó cao, nhưng so với mực nước biển thì pháo đài Masada này phần cao nhất cũng chỉ 100 mét. Từ Eilat, Jerusalem các bạn có thể đón bus số 444, 486 để đến Masada, bạn cần phải xem lịch bus tại Egged trước ngày đi 4 ngày, Chọn điểm đến là Masada, location city là Junction nha, vì có Masada ở phía Bắc nữa, xem kỹ lịch trình qua map để tránh nhầm xe, nhầm chỗ

Từ Tel Aviv bạn có thể lên quầy information tại Central bus để hỏi, bác quầy vé có thể không hiểu bạn muốn hỏi gì thì show hình ảnh cho họ địa điểm cần đến, như vậy họ sẽ đỡ nhầm lẫn và hướng dẫn lung tung.

Đến được Masada rồi, các bạn đi bộ vào trong để mua vé: có 2 loại vé để lên cao là

  • Tự hiking 1 tiếng rưỡi, cung đường này gọi là snake path giá 29 nis. Cung snake path đóng cửa sau 10 sáng, vì sau khoảng thời gian đó, không ai leo nỗi giữa cái nóng thiêu đốt, ngoài ra cung này còn đóng cửa sớm nếu ngày lễ hoặc trời mưa, sạc lỡ nhiều. Vâng mặc dù mình đến ngày 1 tháng 5 nhưng cách đó 2 tuần trời mưa, cung này vẫn đóng cửa. Mà thôi đến nơi cũng 10h sáng sau 2 giờ đi xe buýt, nắng nóng lắm, đi cáp treo thích hơn
  • Một loại vé nữa là cáp treo 2 chiều 76 nis, bay vù vù 5 phút, hoạt động cửa lúc 8am, đóng lúc 4pm, ngày lễ 2pm

3. Tham quan pháo đài Masada

Cung điện phía Bắc Masada có những bậc thang được khoét sâu vào vách núi
Cung điện phía bắc Masada, đi trên những bậc thang ven vách núi

Quần thể Masada rộng 300*600m, được vua Herod xây dựng trên một đỉnh núi, có 3 con đường mòn đi lên, có đầy đủ khu ăn uống, chuồng ngựa, 12 hồ chứa nước. Vào thời đó, đây là pháo đài bất khả xâm phạm. Tuy nhiên sau khi vua Herod chết thì năm 70 đội quân La Mã kéo đến bao vây tấn công, cuộc chiến thành công, khi họ đến nơi thì gần 1000 người Do Thái trong thành đều tự sát, chỉ còn vài phụ nữ trẻ em, theo lời kể của nhà sử học La Mã. Pháo đài rơi vào quên lãng đến năm 1960 mới khai quật. Ngày nay pháo đài là biểu tượng cho lòng bất khuất, tự do, là tấm gương cho các binh sĩ Israel noi theo.

Nơi này nổi tiếng với tour đi ngắm mặt trời mọc ở Masada thường khởi hành từ Jerusalem, xe du lịch đưa khách đến đây lúc 5h sáng để tận hưởng buổi sáng nơi đây. Mình thì đi toàn xe buýt 8am mới có chuyến đầu tiên, nếu muốn ngắm cảnh phải ở lại Masada một đêm, rồi sáng leo lên đó. Không thì xách theo lều trại lên đó cắm trại, dân Israel trùm cắm trại, nhà ai cũng có lều đồ hết.

Phần nhìn về núi Judea, sa mạc Negev

4. Nổi lênh đênh trên Dead Sea

Sau khi lăn lộn trên cái đỉnh núi này từ 10h sáng đến 2 giờ chiều, mình bắt đầu xuống trạm gần đó đón xe buýt cách đó 15km đi khu resort ở biển Chết tắm phủ phê. Chắc không nơi đâu có cái kiểu tắm kỳ lạ như ở đây, đây là thiên đường của người không biết bơi. Dù có bơi giỏi tới đâu cũng đều ngồi hoặc nằm ngửa, chứ hổng ai dám lặn cả. Vì đây là biển Chết mà. Nước biển ở Dead Sea đặc quánh như dầu oliu, sệt sệt, rít rít tắm nước ngọt sơ sơ không xi nhê gì, nồng độ muối cao nhất thế giới có khác. Mình cực thích cái cảm giác đi ra bờ biển, nước tới tầm đầu gối, nhẹ nhàng nằm xuống (nằm ngửa nha, ai nằm sấp ngu ráng chịu, ahihi) nước đẩy mình cái nổi liền, rồi gió thích đưa mình đi tới đâu cũng được, cầm tờ báo mà lim dim đôi mắt sướng gì đâu.

Dead Sea

Nhưng trước đó mình còn nghi ngờ về lực đẩy của nước vì mình sợ nước, bơi sơ sơ hà, mới zô hốt hoảng, quờ quạng, chỉ 1-2 giọt nước muối rơi vào mắt là ôi thôi, mù tạm thời luôn. Nếu ai chưa tắm biển Chết, chưa bị nước  ở đây lọt vào mắt, nói không thể tưởng tượng nổi, vừa không thể mở mắt, vừa thốn. Nước chảy xuống miệng thì không phải mặn như muối thường, đó là vị đắng, đắng như ngải cứu ý. Xong hốt hoảng mù đường, anh bạn Tây đẹp trai liền đưa tay dắt mình lên bờ, rồi nhỏ em lấy nước ngọt cho mình rửa mặt ngay và luôn. Lát sau cứ ra tắm tiếp, tắm chừng nào mà hết sợ thì thôi. Đang trôi trôi vậy thấy ông bố hốt hoảng ôm đứa con chạy vù ngay lên chỗ tắm nước ngọt, giống như là đi cấp cứu khẩn cấp vậy ý, chắc con bé bị nước biển vào mắt. Qúa đáng sợ…

Tắm ở đây không bao giờ chìm, tương truyền có một bác đến đây tắm biển, gió mát quá thổi bác vù qua bên kia bờ, là địa phận của Jordan, thế là hải quan phải vớt zô rồi trả về lại Israel. Còn người theo đạo Hồi thì không ai chịu tắm ở nơi này, vì họ cho rằng biển này dơ bẩn, ô uế, rằng tắm xong sẽ không được lên thiên đàng. Mùa này mới mưa xong nên nước đục, không đẹp mắt cho lắm, ngày này nó mờ ảo sao ý, chụp hình không được đẹp.

5. Dịch vụ ở Dead Sea

Khu này miễn phí hết nha, nước uống, nước ngọt tắm, miễn phí luôn muối dưới biển. Duy chỉ khách sạn rất đắt đỏ hơn 100 nis, đồ ăn thì ít mà đắt nữa nên nhớ mang thức ăn theo, xác định một bữa ăn ít nhất 30 nis. Nhưng nếu cần cái ghế dài để phơi thì 20 nis nhen, không thì mang theo tấm khăn lót dưới cát sưởi nắng. Khu resort phía bắc thì tốn phí, khu đó thì sạch đẹp hơn, tuy nhiên nơi đó là họ dẫn nước từ biển Chết về. Nghe đồn nắng ở đây không có tia UV nha, nên tắm thoải mái, vậy chứ mình đi đâu cũng phải trét kem chống nắng

Ai thích thì ở lại một đêm, sáng đi thăm ốc đảo Ein Gedi gần đó, nghe bảo ở đó có cái thác nhỏ, có vài loại cây cối, thảo mộc mọc được ở vùng đất nhiễm mặn, đi cho biết thôi. Riêng mình sống ở moshav mỗi ngày nên không quan tâm lắm. Dân Israel thường cắm trại ở vùng dành cho camping gần đó, search google là ra đó. Tắm rồi mình mặc zô cái áo phông, tới cửa hàng gần đó mua vài bịch bùn đen, rồi nhòm ngó mấy sản phẩm spa, rất nhiều sản phẩm làm đẹp luôn toàn Sea of the spa, ở Masada là giàn mỹ phẩm Ahava nổi tiếng. Rất tiếc mình là đứa không cuồng mỹ phẩm, nên nhòm cho đã mắt vậy thôi. Mình cuồng vẻ đẹp của thiên nhiên hơn, đi dạo dọc bờ biển, càng về chiều, khung cảnh càng mờ ảo, đẹp kỳ diệu. Gió bắt đầu thổi mạnh, mình cũng lê cái thân ẩm ướt lên xe buýt về nhà.

Ôi mình bắt đầu thấy nhớ cái giường ở ngôi nhà thiên đường Ein Yahav, về thôi.

Xem thêm Hướng dẫn du lịch Tel Aviv

Hướng dẫn du lịch biển Đỏ, Eilat

Các bạn có thể đọc thêm thông tin và các chuyến du lịch Israel của mình tại đây. Các bài học thực tế từ Israel tại đây

Mọi thắc mắc về thông tin du lịch học tập ở các nước, các bạn có thể email về cho mình ltmtrinh93@gmail.com. Ngoài ra, các bài trên đều là chất xám, trải nghiệm của mình viết nên, các bạn có thể chia sẻ link, không sao chép dưới mọi hình thức. Cảm ơn các bạn!

CÓ THỂ BẠN CŨNG THÍCH