Nội dung bài viết
Chào mọi người, hôm nay là Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc cũng như Việt Nam, Trung Quốc được nghỉ lễ, nên mình không phải đi học :)) Thôi thì mình chia sẻ cách chuyển tiền online tại Việt Nam khi sinh sống tại nước ngoài nhé. Mình thấy nhiều bạn xung quanh mình còn chưa biết nhiều vấn đề này. Qua tới nước ngoài thấy họ loay hoay nhờ người thân, bạn bè chuyển giúp. Mình tự chủ động mọi thứ nên vẫn thoải mái hơn.
1. Tại sao cần chủ động chuyển tiền online khi ở nước ngoài
Sau đây là vài lý do mà mình thấy bản thân nên chủ động tự chuyển khoản, mặc dù lúc đó đang ở một xó nào đó trên quả đất này.
- Mình thường xuyên sống ở nước ngoài trên 3 tháng, có nhu cầu chuyển tiền cho người thân hay bạn bè bằng tài khoản ngân hàng Việt Nam.
- Đôi khi mình cũng mua hàng lazada, tiki này kia ship về nhà.
- Mình còn mua vé máy bay qua Traveloka thanh toán bằng internet banking, mình ngại dùng thẻ visa thanh toán web máy bay nước ngoài vì mắc công bị charge thêm phí chuyển đổi ngoại tệ.
- Nếu để gia đình, bạn bè giữ số điện thoại hay tài khoản ngân hàng giúp thì việc liên hệ đôi khi rắc rối như chênh lệch múi giờ, mình cần chuyển khoản mà em mình đang ngủ.
- Kinh doanh trong nước, một ngày chuyển tiền mấy lượt. Không thể nhờ người khác rồi nè.
- Đất nước gần Việt Nam, internet nhanh thì không sao. Còn như nước Philippines thì internet tệ vô cùng, hay sống ở một hành tinh khác như Trung Quốc chẳng hạn. Việc liên hệ bạn bè qua mesenger để chuyển khoản thì…
Mình đã gặp khá nhiều rắc rối việc chuyển tiền trong 3 năm qua nên rút kinh nghiệm ngay và luôn.
2. Điều kiện để chuyển tiền ngân hàng online
Các bạn cần làm thẻ ngân hàng có đăng ký e-banking (internet banking/ mobile banking) để chuyển tiền online. Đăng ký số điện thoại để nhận mã xác thực OTP, không có mã này thì không thể chuyển tiền được. Bạn cần nhớ tên đăng nhập và mật khẩu của tài khoản. Vấn đề ở đây là cách nhận mã OTP, có 4 cách nhận mã mình biết được: nhận qua SMS, iOTP, app tạo mã hoặc token. Mình sẽ nói rõ các mặt lợi hại khi dùng 1 trong 4 cách này.
3. Các cách nhận mã OTP thuận lợi khi đang ở nước ngoài
a. Roaming điện thoại trước khi đi nước ngoài
Để nhận mã OPT qua SMS, bạn cần phải roaming nhận tin nhắn khi đi nước ngoài. Đối với sim Viettel mình soạn tin CVQT gửi 138 là kích hoạt thành công chuyển vùng quốc tế miễn phí. Trước khi bay mình bật chế độ roaming trong phần cài đặt. Ra nước ngoài nhận được tin nhắn bình thường. Nhưng mình cảm thấy nó không an tâm, hư sim, mất sim là đi tong, có người qua tới không biết sao sim không kích hoạt được. Đề phòng rủi ro :)) đọc thêm cách dưới đây.
b. Dùng app của ngân hàng sử dụng iOTP như Timo và MyVIB Smart OTP
iOTP là phương thức tạo mã không cần sóng điện thoại, nên thuận lợi cho mấy bạn đi nước ngoài. Hiện tại mình sử dụng Timo cảm giác rất thích nên giới thiệu. Timo là app của ngân hàng VP-bank, MyVIB là app của ngân hàng VIB. Cả 2 app này đều có ưu điểm dễ hiểu, nhanh tiện lợi, có thể chuyển tiền miễn phí dù là cùng hay khác ngân hàng trong vài giây. Trước khi đi nước ngoài, mở phần cài đặt thông báo và bảo mật, bật iOTP lên, mỗi lần chuyển khoản sẽ có 1 mã hiện lên, mã chỉ dùng một lần duy nhất. Mình dùng Timo, đăng ký làm thẻ qua email, chỉ cần đến văn phòng lấy thẻ, tất cả miễn phí. Mình thích kiểu này nhất.
c. Dùng app tạo mã
Đợt mình đi Vietcombank hỏi về chuyển tiền khi ở nước ngoài, nhân viên tư vấn mình tải app VCB SMART OTP để nhận mã OTP mà không cần sóng điện thoại. Bạn muốn cài đặt app này cần phải đến trực tiếp ngân hàng, nhân viên cung cấp 1 loại mã riêng mới dùng được. Nếu đang ở nước ngoài mà mất điện thoại thì xem như mất luôn app, chỉ có cách về nước ra ngân hàng cài lại. Cách này chỉ dùng khi bạn chuyển tiền qua internet-banking, tức vào website chuyển. Sau khi nhập mã giao dịch, mới lấy được OTP. Tuy bảo mật cao hơn nhưng hơi phức tạp với những người không rành công nghệ.
d. Dùng thiết bị Token
Thiết bị Token các bạn gõ google sẽ thấy nó là chiếc máy nhỏ bằng ngón tay. Đi đâu cũng phải mang theo để nhận mã. Khi chuyển tiền nó hiện trên token. Cách này nhân viên ngân hàng ACB tư vấn mình đều từ chối. Cái máy nhỏ nhỏ vậy mình dễ làm mất lắm, nên thôi. Một cái máy token nhân viên báo giá cỡ cỡ 500k.
4. Lưu ý khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng, nhà mạng di động khi đi nước ngoài
- Mình sử dụng cả 3 phương thức nhận OTP trên 3 ngân hàng mạnh dịch vụ: Vietcombank, ACB, Timo. Sau khi cài đặt các bạn nên dùng thử để xem nó có hoạt động tốt không trước khi đi, có gì còn gọi nhân viên tư vấn được.
- Ngoài ra mình dùng thêm 1 thẻ visa để thanh toán các website nước ngoài. Lưu ý chỉ dùng 1-2 thẻ để thanh toán mua hàng qua các website. Thẻ dùng để thanh toán các trang web mua hàng không nên để nhiều tiền. Khi nào mua hàng rồi hãy chuyển tiền qua thẻ. Công nghệ hiện đại, dù có bảo mật tốt cỡ nào cũng có kẽ hở cho hacker.
- Để đề phòng trường hợp quá 3 tháng không phát sinh giao dịch bị nhà mạng cắt mất sim, mình còn đăng ký thêm gói giữ sim 1 năm của Viettel soạn VTVANG gửi 109/ 50k-năm. Hi vọng bài viết trên có thể hỗ trợ các bạn bước ra thế giới tự tin hơn.
Mọi thắc mắc về thông tin du lịch học tập ở các nước, các bạn có thể email về cho mình ltmtrinh93@gmail.com. Ngoài ra, các bài trên đều là chất xám, trải nghiệm của mình viết nên, các bạn có thể chia sẻ link, không sao chép dưới mọi hình thức. Cảm ơn các bạn!