Nội dung bài viết
Từ Khangsar 3700m đến Ledar 4200m
Sáng mình khởi hành đi Yak Kharka, nhưng leo lên tầm 200m mình không thể bước nổi đành phải quay về kiếm porter. Và dường như vùng này không có ai ngoài bác hôm mình gặp ở Shree Kharka, giá đi Thorong La mắc hơn. Mình sẽ thuê 2 ngày và một buổi sáng, tới đỉnh là bác sẽ trở về Khangsar với giá 10.000 rupee. Hôm nay mình sẽ đi Ledar, hôm sau đến High Camp, và sáng cuối cùng vượt đèo. Khởi hành tầm hơn 9h sáng, lần này bác ấy không bỏ mình đi trước nữa, bác ấy luôn ở trong tầm mắt mình, cứ 5 bước mình phải ngồi thở. Vì thật sự đường từ Khangsar đến Yak Kharka khó hơn rất nhiều từ Manang đến Yak Kharka.
Đó là một ngày rất dài, đường rất vắng, thi thoảng mới gặp 2,3 người. Phải leo lên rất cao và hạ độ cao xuống cực thấp. Bên cạnh mấy landside nhỏ khủng khiếp, nếu không có gậy leo núi, có thể mình đã trượt xuống vực. Bác ấy nếu thấy đường quá dốc, bác sẽ đợi đỡ lấy mình, còn đoạn nào dễ bác ấy sẽ đợi mình tầm 200m. Xung quanh toàn cây bụi, thi thoảng các cây còn bị cháy khét, không có một tí lá xanh nào. May là mình đã chuẩn bị nước uống đầy đủ.
Đến trưa mình ăn trưa ở Nirvana Restaurant rồi đi đến Yak Kharka 4050m lúc 14:00. Trời nắng chói và lạnh nhẹ, mình đã ngủ ở độ cao này nhiều lần nên không còn nguy hiểm với mình nữa. Mình quyết định đến Ledar để giảm thiểu thời gian và độ cao cho ngày mai. Hầu hết mọi người đều ở Yak Kharka. Ledar có hơn 10 hotel, mình chọn một hotel cuối đường, giá chỉ có 150 rupee, có wifi, nhưng không có nước nóng 🙂 Mà thật ra mình cũng không nhớ bao nhiêu ngày mình không tắm. Mình ở chung với cô gái dễ thương đến từ Poland, cô cũng đi một mình. Ngồi ăn tối cùng nhau, có một nhóm này rất vui, người Pháp Đức tùm lum, họ nói về một cặp đôi người Trung Quốc. Họ bảo cặp đôi này họ gặp ở hồ Tilicho, đi rất nhanh, đến mức họ không bao giờ gặp trên đường, và ăn rất ít. Và mình phát hiện, mình đã ăn trưa cùng với cặp đôi này ở nhà hàng ven sông hôm nay. Đúng là họ đi nhanh thật, họ đi trước mình 5 phút chả thấy đâu cả và sau mình không bao giờ gặp lại họ nữa. Bọn Tây rất thần thánh cặp đôi này, họ cứ âm thầm, lẵng lặng và đi cực nhanh đến mức ai cũng choáng ngợp. Cô gái ấy đã show cho mình những tấm hình tuyệt vời từ hồ Tilicho, một lần nữa mặt mình xệ xuống vì mình đã từ bỏ nó. Mình rất tiếc, tiếc cho bản thân vì không thể thấy cảnh đẹp ở hồ, sắc trắng của tuyết, đỏ nâu của núi và xanh rực rỡ của hồ.
Tối, quản lý dặn dò mình nếu không thể đến Phedi trước 12:00 thì nên ở lại, ông khuyên nên ở lại Phedi, và dặn dò mình phải thật chậm “mày không thở được, tại sao lại phải ở cao như vậy. High Camp rất khó ngủ vì lượng oxi rất thấp, rồi full phòng…bla…bla” Mình bảo “đừng lo, tao sẽ xem mọi người rồi tao quyết định, tao cũng sẽ xem thời tiết như thế nào. Tao có porter, ông ấy sẽ hỗ trợ tao”
Từ Ledar 4200m đến High Camp 4900m
Theo luật AMS, từ độ cao trên 3000m, các trekker không được leo chênh lệch quá 500m mỗi ngày, để đảm bảo an toàn. Mình đã luôn đảm bảo quy luật đó, tuy nhiên đến Ledar, mình đã cân nhắc rất nhiều. Mọi người thường ở lại Thorong Phedi/ Thorong Base Camp 4500m, sáng hôm sau họ bắt đầu 3-4h sáng vượt đèo, đối với mình, điều đó là không thể. Mỗi ngày qua mình đều bắt đầu từ 7-8h sáng, càng lên cao càng lạnh, thật sự rất khó khăn để bước khỏi dinning room vào quá sớm như vậy. Nếu không đi sớm, sau 10h ở đèo gió rất mạnh, sương mù không thấy đường, đi lại càng khó khăn. Vì vậy hôm nay mình phải mạo hiểm đến High Camp cho bằng được, mặc cho chênh lệch độ cao 700m.
Phedi rất đẹp, như một hang động khuất gió nằm bên vực thẳm, có vài căn hostel để lưu trú. Mình đến Phedi lúc 10:30, mình ăn chowmein mà cảm thấy không nuốt nổi, biếng ăn kinh khủng. Những ngày này thật sự mình cố gắng ăn, có những bữa mình đã gọi thức ăn 6$/ bữa nhưng rồi không ăn hết. 12:00 mình lên đường đến High Camp, 2 tiếng sau mình đến nơi sau quãng thời gian bước khó nhọc và ngồi lê lết mọi tảng đá đủ lớn. Một cô gái người Nga cứ thấy mình đi 3 bước lại ngồi phịch xuống, cô ấy lại bắt chuyện và khuyên mình đừng ngồi như thế, rất mệt. Mình biết chứ, mỗi tội mình rất thích ngồi, rồi ngắm xung quanh. Nếu mệt, hãy đứng dựa vào gậy leo núi, đừng ngồi.
Trên đó dường như chỉ có một đứa con gái châu Á đi một mình trơ trọi, mấy người trên đó cứ nhìn mình chằm chằm, mà đa số là đàn ông. Mình bước vào hỏi giá phòng thì 500 rupee/ 2 giường, ông ấy đưa chìa khóa, mình deal với bác là mình chỉ có một mình không thể thuê 2 giường, nhưng bác không đồng ý. Mình trả chìa khóa lại và ra ngoài tìm hotel khác. Một ông người Nepal ở đâu ra khó chịu tới nói mình một tràng đại loại “giá tốt như vậy mà mày còn muốn gì nữa”, mình đoán là người làm ở đây. Ngay lập tức mình đưa tay ra hiệu ông ngừng nói “Stop, please!!” mình đi ra chỗ khác và không nghe nữa. Mình không phải là thùng rác để ai cũng có quyền trút giận lên mình như thế, dù là đàn ông nước nào đi chăng nữa.
Một anh bạn người Nepal khác hỏi mình đang gặp vấn đề gì, mình hỏi anh ấy là ai, là guide à? Anh ấy trả lời anh ấy là dân du lịch như mình. Mình kể vắn tắt vấn đề là mình đang tìm phòng, cụ thể là 1 giường cho mình, nhưng ông chủ chỉ có thể cho thuê nguyên căn, và đâu đó có một đám đàn ông đang nhìn chằm chằm vào mình, nó khiến mình khó chịu. Anh ta xin lỗi, mặc cho không phải lỗi của anh. Anh ấy giải thích vì mình giống mấy cô gái Nepal quá, họ thấy lạ vì mày đi một mình. Mình bảo “Nói với họ tao là người Việt Nam, không phải người Nepal, và thôi đừng nhìn kiểu đó nữa” thế là họ giải tán. Đến lúc này mình mới biết tại High Camp chỉ có một người chủ nhà duy nhất, no more. Mình quay lại nhận phòng và chìa khóa, rất vui vì tối hôm ấy, ông chủ chỉ tính 1 giường cho mình.
Đang khó chịu thì một cái đầu tóc vàng, đôi môi đỏ mọng nghiêng đầu nhìn mình, anh ta hỏi thăm là mình đang gặp rắc rối gì hả? Mình kể lể cho anh ta những vấn đề trên. Anh ấy hỏi mình người nước nào? “Việt Nam” – mắt anh ta sáng lấp lánh nhìn mình.
– Anh ấy nói “Tao đã ở Việt Nam 3 năm, tao yêu Việt Nam lắm, tao sắp trở thành người Việt Nam rồi đây này”.
– “Mày là giáo viên dạy tiếng anh ah” =>”Trời, sao mày biết hay vậy?”
– “Ở nước tao, người nước ngoài đến đây hầu hết đều dạy tiếng anh, mày từ đâu đến” =>”Tao là Aman, từ Anh”
Rồi anh ấy kể hàng loạt các món ăn Việt Nam, mặt hào hứng như một đứa trẻ. Quay lại vấn đề anh ấy hỏi
– “Mày không thích bị nhìn như vậy hả? M khó chịu vì họ nhìn như vậy” => “Đúng vậy, nếu mày ở Việt Nam, mày cũng sẽ bị người ta nhìn đến mức kỳ cục”
– “Ukm, nhưng tao quen với nó rồi”.
Rồi anh ta nói “Mai mày đợi tao đi với nha, tối ở dinning room, nếu mày thích, mình có thể ngồi hàn thuyên về Việt Nam”. Chiều anh ấy gõ cửa phòng rủ mình đi cùng với bạn gái anh ta lên top view, mình đi được vài bước thì đùi mình nhức mỏi, gió lạnh buốt đến mức đáng sợ. Mình đi không nổi nữa nên đành phải quay về, anh ấy đã đi trước từ xa. Nhìn lên cao, đó là các ngọn núi tuyết. Theo như lời các bác porter ở đó nói chuyện qua lại, ngày mai mình cần khởi hành lúc 4h, mình méo miệng. Mình biết mình không thể, mình dặn bác porter, “ngày mai cháu sẽ thức dậy 4h, ăn sáng và mình khởi hành 4h30” bác đồng ý.
Bên trong dinning room duy nhất ở High Camp, đó là lá cờ Israel treo ở đó và nhiều chữ Hebrew được viết mỗi sign. Thật sự Nepal và Thái Lan là 2 đất nước mà người Israel đến rất đông, cụ thể là người Do Thái. Họ thường chỉ thuê porter, không cần guide. Ở đây wifi 100rupee/ giờ, không có nước để tắm, dội gì đâu, ngoài trời nước hóa đá, mình bất đắc dĩ phải mua 1 chai nước 250 rupee/ 1 lít để uống, 100 rupee cho nước nóng giữ nhiệt. Mình ngồi vào ghế nhìn ra núi tuyết, một đàn chim khổng lồ đang kiếm ăn. Mình hỏi guide của đoàn khác đó là loại chim gì? anh ta không biết. Một ông chú người Đức giỡn là “chicken bird” vì đàn chim ấy đậu xuống như đi lạch bạch như một đàn gà. Mình thì nói “Tao thấy nó giống chim cánh cụt” mọi người cười rộ lên. Mình đi đâu nếu không biết gì thường hay hỏi các anh guide đoàn khác, xài guide chùa không ah. Được cái ai cũng dễ thương chỉ trỏ cho mình, cho mình kiến thức miễn phí. Có những đoàn, khách và guide thay phiên nhau đề nghị chụp hình cho mình, vì mình đi một mình không ai chụp cho mình cả. Bác porter đoàn khác cũng đề nghị khiên hành lý giúp mình. Mình thật sự rất quý những con người Nepal này, hiền hậu, chất phác, không lừa gạt, đặc biệt là giữ lời, nói như thế nào thì làm như thế ấy. Mình chỉ ăn 2 quả trứng rồi về phòng, người mình bốc mùi thúi quắc sau nhiều ngày không tắm nên không muốn ngồi nói chuyện với ai cả, kể cả Aman.
Trước khi về mình lại bàn tiếp viên gặp ông chủ quán “Con đang biếng ăn, đã 2 ngày rồi, nhưng không đau đầu, liệu con có mắc AMS không?”=> Mặt ông nghiêm nghị “Con đi ngủ đi và hãy thôi nghĩ về nó nữa, không sao đâu”. Ở độ cao 4900m, nếu yên giấc đến sáng mai thì sau này bạn có thể ngủ ngon lành ở điểm cao nhất ở ABC. 8h tối, mình chỉ muốn chui vào phòng, nhưng tiếc nuối bầu trời vì sao rực rỡ kia, mình mở cửa, chạy ra sân. Sao lấp lánh sáng cả bầu trời như dãy thiên hà, tầm vài người đang phơi sáng ngoài kia. Bầu trời này là bầu trời nhiều sao nhất trong những nơi mình đã ngắm, nhiều hơn trong sa mạc, nhiều hơn đất trời Măng Đen, thật sự rất gần, rất to và rất sáng. Kỹ năng chụp hình của mình vô cùng tệ để có thể phơi sáng cả dãy thiên hà này.
Tầm tối, Aman đến gõ cửa phòng dặn lần nữa “Nhớ mai đợi tao với” Mình gật đầu.
Từ High Camp 4900m đến Muktinath 3800m, vượt đèo Thorong La 5416m
Mình thức dậy đúng giờ, mở miếng dán giữ nhiệt cuối cùng, nó là thứ cứu rỗi mình trong sáng này, trong cái lạnh âm độ. Đã 4h30 mình thấy trời vẫn lạnh quá, mình ngồi mãi đến 4h45, bạn gái của Aman ăn vẫn chưa xong, mình nói anh ấy mình sẽ đi trước, mình đi rất chậm, và chúng ta sẽ gặp nhau trên đường. Kể từ landside đường đến Phedi hôm qua cho đến Thorong La, bác porter theo sát trước mình, ông ấy không để cho mình đi nhanh. Đôi khi mình muốn bước nhanh cũng không được, bác ấy cố ý chặn trước mặt mình đề phòng mình hụt hơi. Mặt trời chưa mọc, mọi người đi dưới ánh đèn trên đầu, thỉnh thoảng guide các đoàn khác đứng cầm các đèn lớn để mọi người thấy nhau từ xa. Đoàn người rồng rắn theo sát nhau, tay mình đã tê cứng nhưng vẫn cố cầm đèn để soi đường. Mình không thể nói được lời nào, cứ thì thào mãi, lúc này mình nhìn lại chai nước đã hóa đá, mình không thể nào uống được. Sáng nay mình đi vội nên quên mua nước nóng. Niềm hi vọng lúc này là ánh nắng mặt trời, cầu mong bầu trời sáng lên thật nhanh, nếu không mình tiêu mất.
Đoạn đường này, bạn sẽ gặp rất nhiều người nuôi ngựa, họ thấy mình con gái đi từ từ nên cứ hỏi là mình có sử dụng ngựa không. Mình khăng khăng từ chối không biết bao nhiêu lần. Mình không mệt, không đau gì cả nên không cần cưỡi ngựa, giá nghe đâu 10.000 rupee tới đỉnh. Tưởng tượng nếu ngồi trên đó, nếu mình xui, có khi nào mấy con ngựa nó stress quá, sẽ lao xuống vực, là tiêu. Chưa kể, mình không biết bảo hiểm AIG có công nhận ngựa là phương tiện giao thông hay không, nếu mình tiêu thì tụi nó có thể đưa ra cái lý do là mình ngồi ngựa mà chết, rồi từ chối đền bù cũng nên. Tốt nhất là ngoan ngoãn đi bộ, hơn nữa mình cũng không muốn cưỡi bất cứ loài động vật nào, thấy tội tội.
Aman vượt lên và gặp mình, nhìn bầu trời đang đổi màu, mình hỏi anh ấy “Mày nghĩ còn bao lâu nữa mặt trời sẽ lên?”=> “1 tiếng nữa”. Mình nhăn nhó “Mày đừng nói như thế, mày phải nói còn 30 phút nữa mặt trời sẽ lên”=>anh ta cười hòa hoãn “okay, 30 phút nữa”. Anh ta đến một teahouse trên đường, gọi mình vào uống trà, lúc đó mình đang mệt, mệt đến mức không muốn uống gì cả, thế là gào lên “No tea” rồi bước tiếp. Rồi cái gì đến cũng phải đến 8h15 mình chạm đỉnh đèo, sớm hơn dự định rất nhiều. Mình thấy Aman từ xa, đứng cạnh dấu mốc, mình cười mừng rỡ vẫy tay chào anh ấy. Mình quay lại gửi tiền cho bác porter, rồi mua 2 ly trà ở teahouse, đưa cho bác 1 ly xong, quay tới quay lui thì không thấy bác đâu nữa. Chưa kịp chụp hình với bác thì bác đã về mất tiêu, tính bác âm trầm, lặng lẽ, bác không biết tiếng Anh nên mỗi lần muốn dặn mình gì đó, bác sẽ kiếm mấy bạn trẻ người Nepal phiên dịch lại cho mình. Chương trình học ở Nepal đều dạy bằng tiếng anh nên ai cũng lưu loát cả, chỉ có môn Văn là học ngôn ngữ Nepal. Cũng may là có bác, nếu không, mình đi một mình cũng không đi nổi. Các anh guide đoàn khác cũng đến nơi và chúc mừng mình.
Đứng ở đó 20 phút là mình phải đi ngay, chẳng ai dám ở lại đó lâu vì AMS có thể đến bất cứ lúc nào. Ở đó lạnh quá, người mình thì mệt, sáng nay mình chỉ ăn 2 quả trứng. Mình cáo từ Aman rồi đi một mình xuống trước, Aman phải đợi bạn của anh ấy đến, lúc này mình lại vác balo 10 ký ấy. Đường từ Thorong La đến Muktinath là một con đường dài không thấy đích, cứ đi mãi, suốt 4 tiếng đồng hồ, hạ độ cao 1700m. Mình nghỉ ăn trưa 1 tiếng ở một nhà hàng thuộc địa phận Mustang, mình nốc một ly nước táo lên men, uống vào nó đã gì đâu, mát lạnh. Mình biết mình không hề khỏe chút nào, mặt mình vẫn tái, bụng lại đau quằn quại, balo thì nặng. Vì mình không cảm nhận được vị của thức ăn nên đã cho một đống ketchup vào chowmein đỏ ngầu. Aman vừa đến và nhìn thấy cảnh tượng như vậy, anh ta lại ngạc nhiên “Cái đó là ketchup đó, mày bỏ gì nhiều thế” =>”Tao biết mà”.
Anh ấy hỏi mình thích ăn món gì ở Việt nam? mình bảo “hủ tiếu gõ”, anh ta không biết hủ tiếu gõ là gì cả, mình mới bảo “ngoài bắc không có, mày phải vào nam mới ăn được”. Anh ta và bạn gái sau khi leo núi ở Nepal thì bay qua Ấn độ 3 tuần, sau đó sẽ quay về Hà Nội dạy học tiếp. Họ uống nước táo ép rồi cáo từ đi trước. Con đường như hoang mạc, đúng ra giống như sa mạc đá ở Israel, rất hùng vĩ. Mình mua tấm khăn yak để giữ ấm, vì khi đến làng mình sẽ mang giặt toàn bộ đống quần áo, toàn bộ.
14h mình đến Muktinath, loay hoay tìm phòng mãi vì giá đắt, cuối cùng một anh chủ nhà bảo cho mình thuê giường 250 rupee/ 1 đêm vì mình giống Nepal, kiểu cùng đồng loại nên có giá tốt. Dịch vụ giặt thì 1000 rupee/ lần giặt, đúng là cắt cổ, mình trả giá mãi còn 500 rupee, áo quần mình cần phải giặt. Khi về đến Kathmandu, dịch vụ chỉ 100 rupee, đúng là điên rồ. Bảo có nước nóng, nhưng đến khi vào tắm, cởi đồ thì nước lạnh, đành bấm bụng tắm luôn, trong khi trước đó mình đi tìm khách sạn tốt chỉ vì có nước nóng tắm. Làng này rất đẹp, mình đã rất muốn ở lại 2 đêm nhưng quá lạnh, mặc cho đã hạ độ cao nhưng dù gì nó cũng cao 3800m, độ cao không hề thấp.
Chiều mình ngồi gọi điện thoại cho quản lý mình mà run cầm cập, bảo ổng là lạnh quá, ổng cười ha hả “Mày vừa ở đèo về, Muktinath mà còn lạnh gì nữa” =>”áo quần tao mang giặt hết rồi, tao còn tắm nước lạnh nữa, thật là kinh khủng”. Nghe thấy thế mấy anh làm ở khách sạn mang cho mình cái chăn để mình quấn ngồi ở dinning room, chu đáo vãi. Họ mới hỏi mình là sao tắm nước lạnh, khách sạn có nước nóng mà. Dùng toilet tầng dưới mới có nước nóng. Hờ, sao không ai nói cho tui biết, phòng tui ở tầng trên mà.
Mình không quên nhắn tin với Des mình đã đến Muktinath an toàn.
Xem thêm các bài viết đầy đủ về hành trình tại đây