ANNAPURNA CIRCUIT: HÀNH TRÌNH TỪ BESISAHAR ĐẾN ĐÈO THORONG LA (P1)

by leetrinh

Mình đang ngủ thì nghe tiếng ồn ào, tấp nập bên dưới, thấy bọn Tây xôn xao nên mình choàng tỉnh hẳn. Vốn dĩ từ đây ai cũng có thể bắt đầu đi bộ lên, nhưng quang cảnh ở đây toàn ruộng bậc thang giống Việt Nam. Bạn mình dặn dò đường bụi bặm, bùn lầy lội, bảo mình đến Bhulbhule rồi hẳn đi bộ, không nên bắt đầu ở Besisahar. Mình quyết định đi jeep đến độ cao nhất định rồi mới đi bộ. Khi mình check point ở Koto 2600m lúc 4h chiều, tầm 300 người trong ngày hôm đó, nghe nói mùa thấp điểm tầm 50 người. Đối với mình khá là vắng vẻ, nhìn qua nhìn lại chẳng có ai cả, mặc đây là tháng 10 mùa cao điểm.

Các cách di chuyển và phương tiện từ Besisahar 700m đến đèo Thorong La 5416m

jeep-besisahar-nepal

Xe jeep ở Besisahar, một dạng xe bán tải đi đường đèo núi rất ngon lành

– Xe jeep chở được tầm 5 người trong xe, và rất nhiều người bên ngoài. Xe có thể chạy lên tới Khangsar 3750m trong ngày là limit, muốn cao hơn nữa chỉ có đi lừa, ngựa. Trường hợp này chỉ có người Nepal sống ở Khangsar mới đi như vậy, dân leo núi không ai điên như thế. Hầu hết những người leo núi có kinh nghiệm hoặc người dân Nepal họ sẽ đi xe đến Manang 3600m, nghỉ ngơi 1-2 đêm để thích nghi, nếu không có vấn đề sốc độ cao họ sẽ tiến lên Thorong La.

– Đối với những người tự tin nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm. Họ đi jeep đến Chame 2750m tầm 6 tiếng, sau đó đi bộ lên Thorong La

– Đối với một đứa không có kinh nghiệm như mình, chỉ đi jeep đến mấy ngôi làng thấp hơn Tal 1700m. Đó là nguyên nhân khách sạn từ Besisahar đến Tal vô cùng vắng vẻ, ít khách du lịch dù là mùa cao điểm.

Việc leo núi muôn hình vạn trạng, có cặp người già Pháp thì đi xe đến Manang và leo ngược xuống, vì người chồng không thể đi cao hơn 4000m do chứng đau đầu rất nặng. Có người còn đi xe đến Manang sau đó, chạy marathon đến Thorong La, rồi chạy xuống Muktinath trong 2 ngày. Có người đi bằng xe đạp, đa số người trẻ Nepal họ chạy xe máy lên Manang, cảnh tượng thì không thể tin nổi.

Từ Besisahar 700m đến Tal 1700m

Chamje 1400m

Lúc này mình mới biết không ai chịu xuống ở Ghermu cả, thế là mình đi chung với cặp đôi, cô gái người Úc gốc Hoa và chàng trai Phần Lan trạc tuổi mình. Tụi mình ngồi xe jeep 2 tiếng thì xuống ở Jagat đi với giá 1300 rupee sau khi trả giá, giá thường 1500 rupee. Nghe đâu xe đến Chame tầm 2000 rupee, Manang thì mắc hơn, đây là giá cho khách nước ngoài. Cuốc bộ 1 tiếng thì dừng chân ăn trưa ở Chamje, nơi ăn uống nhìn ra vách núi cao, tiếng suối chảy ào ào.

Hai giờ chiều tụi mình lại khởi hành, hai đứa nó khỏe quá, đi một hồi thì còn một mình trên núi, mình cứ cắm mặt và mài đít ở mọi viên đá trên đường vì chưa quen. Nhìn đồng hồ gần 5h chiều, sương mù dày đặc, trời bắt đầu tối, mình nhận ra mình là đứa cuối cùng ở trên núi, móa sợ vãi chưởng. May có cô người địa phương vác bình ga bằng đầu đến Tal, mình vội đi theo liền. Hỏi ra cô nói còn 25 phút nữa sẽ đến Tal, đôi tay nhẹ nhàng up down up down, trong đầu mình hiện lên chữ “crazy”. Lúc đó mình leo đã 3 tiếng đồng hồ, đã hứng nước suối trên đường 2 lần, giờ cũng đã hết nước mà đường thì cứ lên cao, vác cái balo 10kg. Mình không nghĩ ngày đầu tiên mình phải đi xa đến thế.

Mình nhìn thấy Tal tù xa mà mừng rỡ. Ngôi làng bên dòng sông chảy ngày đêm

Vâng 17:30 mình đã thấy Tal từ xa mà mừng rỡ, ngôi làng nhìn từ xa tuyệt đẹp, con sông màu xanh chảy hiền hòa, thơ mộng, bên cạnh là những ngôi nhà gỗ màu xanh, màu hồng trồng đủ các loại hoa. Bên dòng sông còn có cái xích đu nữa chứ, mấy khách du lịch đang chơi đá banh với người địa phương. Vừa đến đầu làng là cô bạn người Úc đã đón mình 🙂 họ đến trước mình 45 phút, phòng free, chỉ cần ăn tối và ăn sáng là được. Thế là mình có phòng riêng 2 giường sạch sẽ, có nước nóng, wifi và trời thì đang lạnh. Mình vội ra cái vòi trước sân hứng nước, cho vào đó một viên clorin, nửa tiếng sau là có thể uống được. Ngồi ăn tối mình bảo tụi nó “ngày mai tao không đủ sức tới Timang đâu, tụi mày đi trước đi, tao sẽ dừng chân ở Bagarchhap” Tụi nó bảo “Đừng lo, mày sẽ đến đó được mà”

annapurna-circuit-nepal-leetrinh

Tal từ sáng sớm

Từ Tal 1700m đến Danakyu 2300m

Mình khởi hành lúc 7:30, đến Dharapani tầm 10:45, lúc này mình và hai người bạn đã không còn thấy nhau nữa, khoảng cách đã rất xa. Sau khi check point, mình tiếp tục đến Odar. Ngờ đâu đi một vèo đến Bagarchhap, Odar là một ngôi làng ở đâu trên cao ý, không phải trên đường của mình. Mình ăn trưa ở đây lúc 13 giờ. Cô chủ nhà có 2 đứa sinh đôi và một cô con gái đâu 10 tuổi chăm em, nhưng có vẻ quá sức. Rồi mình xuống bếp phụ cổ rửa rau cải, chiên cơm luôn, cô đang bận làm momo cho ông khách Tây kia. Cô giải thích bình thường cô có mẹ, nhưng nay bà ấy phải đi khám bệnh, mấy ngày sau mới về được. Công việc thì nhiều, con thì khóc, không lo hết được.

Đường đến Dharapani 1860m lúc sáng sớm

Tại đây mình ăn trưa với một anh người Anh mình gặp giữa đường trước đó. Anh ta đi như chạy đua marathon vậy, thở hồng hộc, vừa nói vừa thở. Anh ta cứ thấp tha thấp thỏm phải đến được Chame tối nay. Trong khi muốn tới Chame, người bình thường phải mất thêm một ngày. Anh bảo bạn anh chinh phục chỉ trong 9 ngày và anh ta phải cố để tốt hơn. Thế rồi vừa ăn hết dĩa mỳ, anh hối hả cáo từ, chạy đi tiếp. Mặc cho ông chú già cạnh đó ngồi phân tích rất khó để đến Chame trong hôm nay.

Danakyu 2190m nhìn từ xa

Qua khỏi Danakyu là Potala, lúc này cũng 16 giờ, mình ngồi phân vân không biết có nên đến Timang hay không. Hỏi người dân họ bảo tầm 1 tiếng 30 phút, người thì bảo nên ở lại đêm nay. Mình biết 2 người bạn đó đang đợi ở Timang, nhưng rồi mình biết phải lỡ họ và rất khó để gặp lại. Potala rất ít khách lưu trú, mình chọn đại một nơi sạch sẽ miễn phí phòng, vào mua nước nóng pha trà rồi ăn cơm chiên rau cải đi ngủ. Trời khi nào cũng lạnh, ngay ngày đầu tiên đã lạnh rồi. Vì không mang vaselin nên da môi mình bắt đầu nứt.

Từ Potala 2300m đến Koto 2600m

Cảnh đẹp trên đường đến Timang

Sáng tính bill, cô ấy mới bảo tiền phòng free nhưng tiền chăn 100 rupee, tiền tắm nước nóng 100 rupee nữa. Nghe cứ như lừa đảo nhau ý, thành ra 200 rup là tiền phòng, chả có free gì cả. Ở độ cao thấp như vậy, các dịch vụ như nước nóng, wifi, tiền chăn đã bao trọn trong tiền phòng, rút kinh nghiệm hỏi kỹ lần sau. Mình rời đi lúc 8:00 đến Timang, người ta nói tầm 1 tiếng nhưng mình đã ở trên cái núi ấy 3 tiếng đồng hồ để chụp hình rêu. May cho mình hôm qua stop đúng lúc, không là ngủ với gấu quá. Đúng nghĩa leo núi, up down liên tục, rừng rậm, ẩm ướt, lá phong, núi tuyết đồ. Bạn có thể đi đường xe jeep chắc dễ hơn nhưng sẽ không thấy cảnh đẹp trên rừng.

Những cái cầu sắt dài thõng ở Himalaya, Nepal

Ngay đầu làng, Timang hiện lên dưới mắt mình là một nơi đẹp đẽ, yên bình. Đâu đó, khách du lịch đang thưởng thức bữa ăn, ly cà phê trên sân thượng. Mình chọn một sân thượng để ăn trưa nhìn về đỉnh núi Manaslu rõ nhất. Cảnh vật trên bầu trời nó cứ di chuyển một cách rõ nét hơn. Mỗi lần dừng lại để ăn trưa, mình đều phải lôi thêm áo ra mặc. Hôm nay mình muốn đến Chame lắm, nhưng đến Koto trời đen kịt, rồi đổ mưa, mưa một hồi thành mưa đá. Mình có áo mưa nhưng mình không muốn mặc chút nào. Cũng không muốn đi dưới cái lạnh như vậy. Mới 15h mình check point xong, tá túc ở một căn nhà gỗ dưới vườn táo. Nghe thì lãng mạn nhở nhưng táo ở đây bị bệnh, quả cong queo đến không dám ăn. Căn nhà chỉ có nước nóng, wifi thì không có, toilet ngoài trời, nên mình chẳng muốn uống nước, mà không uống nước sẽ sốc độ cao. Mình ăn tối món cơm với cari yak, yak người ta hong lên bếp cho khô, khi nào ăn thì lấy xuống nấu. Món này như chén canh yak ý mà, vài cục thôi, còn lại là nước, chả thấy khoai tây đâu cả, sáng ra đau bụng.

Khách sạn ở Koto có vườn táo đỏ, từ phòng mình nhìn ra, chứ không phải phòng mình là cái nhà đó đâu :v

Mới 7h tối mà lạnh dưới 5 độ, mình lôi hết áo quần, găng tay, mũ len mà vẫn không đủ ấm. Điện thì chập chờn, lúc có lúc không, xung quanh chả có ai vì khách họ đến Chame cả rồi. Sợ ma, không biết làm sao, thế là gọi điện cho mấy ông anh kia, với hi vọng ai đó sẽ lắng nghe mình. Ai ngờ mấy ổng ở Manang nhưng vẫn có sóng, gọi nói chuyện cả 2 tiếng nên đỡ sợ. Nằm than thở là em lạnh lắm, mà 2 cái chăn vẫn lạnh, em lại không có túi ngủ. Mấy ổng nói Manang lạnh lắm, em phải có túi ngủ mới sống sót nổi, ban đêm âm độ không hà. Dặn dò mình sáng mai lên Chame mua túi ngủ, rồi mấy anh em nói về mấy cung đường đã đi qua. Xong mình mới yên giấc đi ngủ.

Từ Koto 2600m đến Upper Pisang 3300m

Sáng ra mở vòi nước, cây nhiệt kế ở bình nóng lạnh báo 4 độ, đụng chỗ nào thần kinh mình cũng hóa đá, ra ngoài cây cối sương giá cả. Trả phòng, ra tiệm tạm hóa kế bên hỏi vu vơ túi ngủ mà ai ngờ có, giá 3000 rupee nên mình mua luôn, làm hôm qua ngủ lạnh thấy mie. Vừa mới ăn bớt thức ăn giờ lại có thêm các túi ngủ, độ cao tăng dần, và cái balo mình thì nó lại càng nặng nề. Chân mình có dấu hiệu mỏi sau 3 ngày đi bộ, mình quyết định hôm nay cuốc bộ đến Bhratang 2900m thôi, ăn cơm phủ phê rồi bắt xe đến Pisang. Trong khi những người khác đến Bhratang tầm 2 tiếng, mình đi kiểu gì tận 4 tiếng 🙂 mà mình đi đường xe jeep chạy đó nha, không đua đòi leo đường núi nữa. Đường bụi mù mịt, đến nơi đã 12h, nhìn quanh quẩn chỉ có nhà hàng duy nhất bán táo tươi, bánh táo, nước táo và thức ăn thì đắt đỏ. Ngoài ra có một công ty thu hoạch táo và vườn táo xanh, vườn táo đỏ. Mình chạy zô mua 1 ký táo 150 rupee ăn trừ cơm, đằng nào lát nữa mình cũng ngồi xe, chân mình mỏi lắm rồi.

Táo ở Bhratang, Nepal

Táo ở Bhratang, Nepal tươi ngọt, giòn

Ngồi tính toán thời gian, 13h xe từ Besisahar đến Bhratang tầm này không nhiều, một vài xe đã full chỗ, mình không dám chắc mình có xe. Từ Bhratang đến Pisang chỉ có Pokhari 3060m là điểm dừng, nếu cuốc bộ thì mình không thể leo kịp đến trời tối. Thế nên lo mà ngồi bắt xe, không được bỏ xót xe nào. Có lúc chả có xe, mình nghĩ chắc phải xin ké các anh chạy xe máy thôi, nhưng chả mở miệng để xin nổi, ngồi xe máy chạy đường núi nó ghê chết. May mà có xe jeep kia, mình được chen zô một chỗ bé tý với giá 250 rupee. Thường thì ở độ cao này, dân du lịch đều đi bộ, chỉ có dân núi rừng Nepal mới dám ngồi cái xe mạo hiểm đó. Chuyến xe đó mình ngồi có 25 phút thôi nhưng rất kinh khủng, không biết bao nhiêu lần tưởng tượng xe lộn cổ xuống vực thẳm. Ngồi xe mà đã đến Lower Pisang 14:00, rồi lê lết tới Upper tận 15:00, trong khi người khác đi bộ đã đến nơi.

Nhà hàng duy nhất ở Bhratang

Hôm trên đường đến Tal, mình và 2 đứa bạn còn ngồi méo miệng làm sao mà bọn kia dám ngồi xe đến Manang nhỉ. Đường xa vậy mà ngồi hay thiệt, bọn nó chán sống rồi sao. Chúng nó đâu biết rằng, cô bạn nó bây giờ cũng đang ngồi bên trong cái xe đó và vật lộn với nỗi sợ. Nhưng rồi tự an ủi bản thân đã có bảo hiểm lo, mẹ mình sẽ không than vãn với mấy bà hàng xóm “Trời ơi, con cái nuôi ăn học biết bao nhiều tiền, mà giờ chưa nhờ được gì, nó đã chết”. Câu cửa miệng của mẹ mình nếu thấy con ai chết trẻ. Tự nhủ lên trên cao không được ngồi cái loại xe này nữa, dù như thế nào phải đi bộ.

View từ chùa nhìn ra

Ngôi chùa rực rỡ dưới ánh chiều

Pisang có Lower Pisang 3200m và Upper Pisang 3300m, hai nơi này chênh nhau 100m – mình leo mất 45 phút 🙂  . Upper cao hơn, địa thế đẹp hơn, thấy núi tuyết hùng vĩ hơn. Đường đi từ Upper đến Manang đẹp hơn rất nhiều lần từ Lower đến Manang. Nhận phòng xong mình đi ra ngoài chơi, thấy mọi người đổ xô lên chùa nào đó, mình cũng đi theo. Ngờ đâu có cái Gompa trên núi cao đẹp ơi đẹp, đứng sừng sững trước cái đỉnh Annapurna. Công nhận đạo Phật thường chọn những vị thế xây chùa tuyệt đẹp, ngồi đây thiền chắc nhanh đắc đạo lắm. Gặp lại anh bạn Israel đã gặp ở Dharapani cùng với một vài người bạn, anh ấy giới thiệu mình với cô bạn cùng nhóm. Cô ấy cũng đã từng làm việc ở Damka, cùng moshav Ein Yahav. Anh ta khá ngạc nhiên khi thấy mình bỏ tiền vào thùng từ thiện, mình cười bảo ảnh là gia đình mình theo đạo Phật. Ảnh hỏi mình theo đạo gì? Mình trả lời “Lúc nhỏ tao theo Phật, nhưng khi lớn lên, tao suy nghĩ khác, tao không theo tôn giáo nữa”. Ảnh hỏi “Mày tin vào bản thân mày chứ gì”, mình cười. Mình bỏ chả bao nhiêu, chỉ thấy công người dân dựng lên một cái chùa ở độ cao 3500m thật không dễ chút nào, thật sự rất vất vả. Những bức tranh trong đó cũng rất sống động mà mình chưa từng thấy ngôi chùa nào ở Việt Nam có. Niềm tín ngưỡng của người dân thật sự đáng trân trọng.

Xem tiếp Hành trình Annapurna Circuit 2018 Phần 2 tại đây

CÓ THỂ BẠN CŨNG THÍCH