Nội dung bài viết
Mình leo cung Annapurna Circuit, một cung đường phổ biến và an toàn ở dãy núi Himalaya. Cung đường này được xem là cung đường leo núi tốt nhất trên thế giới nên bạn dường như không phải lo lắng gì. Việc của bạn là chuẩn bị sức khỏe thật tốt, nghỉ ngơi hợp lý là có thể hoàn thành chặng đường dài hơn 10 ngày.
1. Ăn gì khi ở Nepal
Vấn đề nhức nhối mà bất cứ người Việt Nam nào cũng quan tâm dù đi đến bất cứ đâu đó là ĂN GÌ? Trước khi đi mình cũng nghe phong phanh nhiều bạn Việt Nam than thở là đồ ăn ở Nepal toàn vị cà ri, ăn không nổi, nên mang theo chà bông, ruốc và mì gói theo. Mình trước khi đi thì có hỏi bạn mình là người Do Thái, ổng nói ổng ăn đồ Nepal thấy okay. Mình còn cười đùa “Chắc mày phải ăn cà ri suốt ha?”.
Cho tới khi đến và ở mình thấy đồ ăn ok thật, đồ ăn cũng khá đa dạng, dù không bằng Việt Nam nhưng không đến nỗi tệ đến mức phải vác đồ ăn leo núi. Dù gì mình là đứa rất dễ ăn, dễ ở, thích ăn thử những món ăn địa phương mới lạ, có thể ăn hoài một món suốt cả tuần, như dal bhat mình ăn mỗi ngày cũng được. Còn ai khó ăn thì nên chuẩn bị. Sau đây là các món mình đã ăn trên đường leo núi và ở Kathmandu. Mình sống 20 ngày nên ăn khá nhiều thứ, mỗi món được nấu theo cách khác và nguyên liệu khác.
Dal bhat
Là món cơm truyền thống có trong bữa ăn hằng ngày của người Nepal. Ở Kathmandu bữa dal bhat giá 400-700 rupee có đầy đủ các phần trên một mâm: cơm, súp đậu, súp cari gà, rau, sữa chua. Ở trên núi chỉ còn cơm và súp đậu, độ cao thấp còn có một ít rau. Mình rất thích ăn món này ở một số nhà hàng Kathmandu.
Momo
Loại bánh ăn thường ngày ở Nepal có các loại nhân: gà, rau, thịt trâu. Bạn có thể ăn momo chiên hoặc hấp, chấm với sốt momo ăn rất ok. Ở Kathmandu giá một phần 100-130 rupee/ 10 miếng, ở các nhà hàng giá tầm 150 rupee. Trên núi giá cao hơn.
Thukpa
Một loại soup có mì và rau
Chowmein – Mì xào rau
Mình thường ăn chowmein khi đi leo núi. Ở các độ cao dưới 2500m, mình thường ăn thêm rau để đảm bảo dinh dưỡng. Muốn ăn rau cải xanh mình phải ra vườn chỉ loại rau mình cần hoặc đưa hình chụp điện thoại, nếu không chủ quán thường chỉ bỏ vài cọng cà rốt cho có lệ.
Fried Rice (Cơm chiên)
Đây là món ăn mình ăn ở những ngôi làng đầu tiên, mình thường hái thêm rau cải và nhờ họ xào chung giúp mình vì lên cao hơn sẽ không có rau.
Yak là động vật chỉ sống ở vùng Himalaya, ngoài thịt và lông, người dân nuôi lấy sữa làm phô mai nữa. Ở độ cao trên 3000m các bạn có thể yêu cầu các món ăn liên quan tới phô mai yak. Thịt yak thì hầu hết thịt khô, phơi trên bếp, không phải thịt tươi. Mỗi lần nấu họ lấy xuống, mang hầm nồi áp suất.
Các món phương tây
Ngoài pizza các bạn có thể chọn rất nhiều các món ăn phương Tây như cháo lúa mạch, pasta đúc phô mai, spagetti… Mình sẽ post ở bên dưới menu cơ bản ở trên núi.
Nước táo ép lên men
Mình đặc biệt thích uống loại táo ép nhưng để lên men trong thời gian dài. Leo núi mệt, uống một ly mát lạnh ngọt ngào là đủ năng lượng. Một ly tầm 250 rupee. Mình uống ở nhà hàng trên đường từ Thorong La về Muktinath, thuộc Mustang.
Ngoài ra mình còn thử rất nhiều món như cari yak, bánh mì tibet, soup tỏi… Ăn loạn cào cào cả lên, một phần ăn là no luôn.
2. Các nhà hàng có giá rẻ và ngon ở Thamel và Manang
Ở Thamel mình vô tình biết được một nhà hàng giá địa phương và dễ thương, vào buổi tối tụi Tây ăn ở đây rất nhiều. Nơi đây gần Hotel Pokhara Peace mình ở, tên nó là Luwangsha Restaurant. Mình thấy món momo ở đây ok, mình còn mua mang lên sân bay ăn. Có thể ăn thử momo nhân thịt trâu 🙂
Bình thường mọi người đều ăn ở ở khách sạn nên mình không biết giá cả ở các quán ăn bên ngoài. Mỗi nơi chỉ ăn bữa tối và sáng, trời lại lạnh nên không ai ra ngoài làm gì. Đến Manang ở 3 đêm, ăn bên ngoài mới biết đồ ăn trong khách sạn mắc. Quán ăn ở Manang mình đã ăn, mình thích ăn thukpa ở đây nhất. Quán ăn nhỏ xíu nằm giữa đường từ trạm check point đến trạm y tế HRA.
3. Ở đâu khi leo núi ở Nepal?
Đối với các cung đường phổ biến như AC, ABC, EBC… trên đường đều có các teahouse cho mọi người ở lại đêm. Các khu nhà thiết kế như nhau, nhà bằng gỗ hoặc bằng đá, phòng có 2-3 giường, có chăn, nước ấm, wifi đầy đủ. Riêng một số nơi đặc biệt không có nước ấm (thường trên 4000m) và wifi. Mình thường ưu tiên chọn nhà gỗ để đỡ lạnh. Nhưng thường mình thấy ở đâu cũng lạnh, tốt nhất mang theo túi ngủ, vì ban đêm, nhiệt độ toàn âm độ.
4. Menu một số địa điểm trên đường trekking Nepal
Các món ăn trong menu giống nhau toàn bộ cung đường, chỉ có càng lên cao giá càng mắc. Mình đi một mình vào tháng 10/2018, bù qua đắp lại, một ngày tiền ăn trung bình 3 bữa và ở tầm 15$/ ngày. Kinh nghiệm của mình đúc kết
- Ở những vị trí trọng điểm như Besisahar, Manang mùa cao điểm lễ hội người Nepal thường full phòng nếu bạn đến trễ hơn những người leo núi khác. Những lúc đó bạn tự quyết định đi tiếp hay dùng những cách trong các câu chuyện mình đã chia sẻ.
- Vị trí hiếm hoi như Bhratang, Shree Kharka, Tilicho Base Camp, High Camp, chỉ có 1-2 teahouse giá thức ăn, nước rất đắt đỏ.
5. Lấy nước ở đâu trên đường leo núi?
Để có nước sạch uống có rất nhiều cách: dùng đầu lọc nước (ship Amazon về), thuốc clorin (250 rupee/ 50 viên), mua nước trên đường tại các điểm quy định sẵn với giá 40-60 rupee/ lít, nước đóng chai (cách này không được khuyến khích vì môi trường). Người dân thường dẫn nước từ sông suối gần nhà để nấu nướng, ăn uống, giặt giũ.
Đối với mình, mình thường lấy nước ở suối hoặc nước ngoài sân, trong phòng tắm sau đó cho clorin vào lọc nước. Để tầm 45-1h sau cho mùi clo bay đi. Một số người không chịu được mùi clo, típ là hãy cho thuốc vào nước ấm để mùi bay đi nhanh chóng. Đối với độ cao trên 3000m, các tờ hướng dẫn leo núi yêu cầu cho 2 viên/ 1 lít nước. Luôn trữ sẵn 1,5-2 lít nước đi từ làng này qua làng khác.